Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp lâu dài và được kính trọng nhất
Từ xa xưa, con người luôn nhìn nhận “ Giá trị vẻ đẹp con người đích thực luôn bền vững ” nhưng “ Vẻ đẹp tâm hồn là vẻ đẹp lâu dài và được kính trọng nhất ”. Vẻ đẹp con người là vẻ đẹp về dung nhan lẫn vẻ đẹp về tâm hồn. Giá trị nét đẹp riêng mỗi người được khẳng định lâu dài và kính trọng nhất qua vẻ đẹp tâm hồn. Ông cha ta từng nói “ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn ”. Quả thật là như vậy, một tâm hồn đẹp luôn hướng tới Chân – Thiện Mĩ – là vẻ đẹp thẩm mĩ của cuộc sống. “ Chân -Thiện – Mĩ ” hướng tâm hồn con người đến những điều thiêng liêng, cao cả, giá trị đích thực của cuộc sống.
Vẻ đẹp về dung nhan theo thời gian năm tháng sẽ phai tàn, nhưng vẻ đẹp một tâm hồn sẽ bất biến, luôn vĩnh hằng. Hơn cả, vẻ đẹp tâm hồn ấy luôn được kính trọng nhất. Con người ta thường chuộng cái đẹp, tôn thờ cái đẹp nên yêu vẻ đẹp một tâm hồn là điều dễ hiểu. Vẻ đẹp tâm hồn con người tỏa sáng giữa cuộc đời, trụ mãi theo thời gian, lắng đọng trong lòng người.
Riêng với bản thân tôi, là một thành viên trong gia đình, công ty và xã hội thì việc trau dồi vẻ đẹp tâm hồn có ý nghĩa quan trọng. Trong cuộc sống hằng ngày, tôi luôn cố gắng vươn lên, tu dưỡng rèn luyện đạo đức tốt, chăm chỉ làm việc, trong sinh hoạt hằng ngày biết giúp đỡ mọi người dù là việc nhỏ bé. Tôi luôn học hỏi từ người thân, đồng nghiệp và bạn bè những điều hay lẽ phải để tâm hồn mình luôn hướng đến cái đẹp, cao quý. Tôi tin vẻ đẹp tâm hồn của tôi với những gì đã – đang và sẽ đạt được luôn khẳng định giá trị bản thân mình, tồn tại lâu dài trong suốt cuộc đời và sẽ luôn được mọi người yêu mến, quý trọng!
Tác giả bài viết
Chào hỏi là một nghệ thuật
“ Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau ”
Tình cảm giữa người với người là tình cảm thiêng liêng, cao quý và được thể hiện cụ thể sát thực nhất qua cách giao tiếp con người với nhau. Trong giao tiếp, chào hỏi được đánh giá là cả một nghệ thuật trong cách làm người. Ngày trước ông bà thường dạy con cháu: “ Phải biết học ăn, học nói, học gói, học mở và học cả cung cách cười, chào sao cho lọt tai người đối thoại, sao cho mọi người đánh giá là con người được dạy dỗ đến nơi đến chốn ”.
Quả thật, “ Chào hỏi là một nghệ thuật ”. “ Lời chào cao hơn mâm cỗ”; “Lời chào đi trước, con đường bước sau ” đó là phong cách của người lịch thiệp và có văn hóa. Có nhiều cách chào hỏi: Người sỗ sang thì vừa chào hỏi vừa có những cử chỉ thiếu tôn trọng người được chào hỏi. Người đơn giản thì thể hiện lời chào đôi khi chẳng bằng ngôn ngữ mà bằng âm thanh như tiếng huýt sáo, tiếng hú gọi….. Người lịch sự thì cúi đầu và ngả mũ chào. Nhưng tựu chung, cho dù chào thế nào thì bên cạnh cử chỉ chào hỏi phải kèm theo ánh mắt – càng khẳng định rõ hơn thái độ, sắc thái tình cảm giữa người chào hỏi và người được chào hỏi. Thông thường, thì phong tục của người phương Đông, đặc biệt là phụ nữ hay tránh ánh mắt nhìn thẳng của người đối diện (kể cả khi được chào hỏi ), khác hẳn với người phương Tây cho rằng: Khi chào mà không nhìn thẳng vào nhau thể hiện sự thiếu lịch sự, thậm chí là thể hiện sự kém tôn trọng lẫn nhau.
Chào hỏi thể hiện sự quan tâm, và đôi khi là tình cảm giữa người này với người khác cho nên chào hỏi sao cho khỏi mất lòng nhau, nếu làm cho nhau chạnh lòng, tự ái vì lời chào hỏi thì tốt nhất đừng nên chào hỏi nữa còn hơn. Muốn gây thiện cảm qua cách chào hỏi thì có thể điểm xuyên vào đó một nụ cười thật thân ái và trìu mến, nhưng cũng đừng quá khích dẫn đến sự hiểu lầm hoặc dễ trở thành một người gây điều không mấy thiện cảm.
“ Học ăn, học nói, học gói, học mở, học đứng, học ngồi, học cười, học chào hỏi ” đều là nghệ thuật. Và sẽ có nhiều thứ cần thiết phải học để hoàn thiện nhân cách con người. Thế nhưng đến ngọc còn có vết xước nữa là con người. Mấy ai được mười phân vẹn mười để có đầy đủ mọi đức tính tốt đẹp. Nhưng những quy tắc ứng xử tối thiểu như chào hỏi để thể hiện mình là người có văn hóa là cần phải có.
Xưa nay, chẳng ai cười cái mà người khác chưa biết – vì nếu vậy, người cười chê đó cũng chính là kẻ thiếu hiểu biết, hoặc có thể người đó giỏi về vấn đề đó nên tự cho rằng mình có quyền chê cười người khác.. Nhưng chắc gì lĩnh vực khác người đó đã thông thạo, nên tránh sao khỏi kẻ khác cười chê bai.. Bởi vậy, chẳng ai dám cười chê việc mà họ chưa rõ. Con người chỉ cười chê tính lười học hỏi, không muốn tích lũy thêm kinh nghiệm sống của người khác để làm hoàn hảo thêm vốn sống của bản thân, ví dụ như chào hỏi – việc tưởng chừng như đơn giản mà lại là cả một nghệ thuật trong cách sống.