Do đặc thù của lịch sử Việt Nam trải qua nhiều năm chiến đấu giành độc lập dân tộc nên vấn đề chăm sóc sức khỏe chưa có điều kiện được đầu tư đúng mực. Vì vậy, cho đến thời điểm này, nhiều tiêu chí về sức khỏe của người Việt Nam vẫn không đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đó là các vấn đề như thể trạng/thể lực còn yếu; chiều cao thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới; chịu gánh nặng kép về bệnh tật lây nhiễm và không lây nhiễm (bệnh mãn tính).
“Khiếm tốn” chiều cao
Trước hết về chiều cao của người Việt, do chưa được quan tâm đúng mức về chế độ dinh dưỡng đối với mỗi người ngay từ khi sinh ra, trong những năm đầu đời nên chiều cao trung bình của người Việt hiện nay vẫn còn khá “khiêm tốn”. So với chuẩn quốc tế, nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164cm (thấp hơn 13cm so với chuẩn); chiều cao trung bình của nữ đạt 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn). Chiều cao trung bình này thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Singapore… Hiện chiều cao trung bình của nam và nữ giới Việt Nam thua Nhật gần 8cm. Với mức độ tăng trưởng chiều cao như hiện nay nếu không có giải pháp tích cực phải mất 80 năm người Việt mới có thể cao như người Nhật. Sự hạn chế về thể lực và tầm vóc này đã trực tiếp ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta so với các nước khác và tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Theo PGS-TS Lưu Thị Hồng Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế thì nguyên nhân khiến chiều cao trung bình người Việt không đạt chuẩn, thấp hơn các nước do tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao. Trong khoảng 7 triệu trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta có đến 30% đang bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Thấp còi khi nhỏ, lớn lên đây cũng là những em bé chịu thiệt thòi về thể chất so với những bạn phát triển đủ chuẩn.
Tình trạng dinh dưỡng, thể trạng lúc nhỏ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất sau này của trẻ. Yếu tố di truyền chỉ quyết định 20% sự phát triển và tình trạng sức khỏe trọn đời; 80% còn lại là do các yếu tố môi trường gồm dinh dưỡng, vận động, lối sống… quyết định. Trong đó, ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của con người là 1.000 ngày đầu đời. Đó là thời gian tính từ khi người mẹ mang thai đến lúc trẻ được 2 tuổi. Đây là “thời kỳ vàng” của sự tăng trưởng vượt trội về thể chất và não bộ, giai đoạn hoàn thiện chức năng của hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể, quyết định sự phát triển ở trẻ và sức khỏe lâu dài khi trưởng thành.
Với trẻ em, can thiệp dinh dưỡng không chỉ trong giai đoạn dậy thì, trưởng thành mà ngay ở giai đoạn bào thai đã cần phải chăm sóc dinh dưỡng để trẻ có cơ hội phát triển thể chất tốt nhất. Thế nhưng có đến 23% phụ nữ Việt tuổi từ 15-34 bị thiếu năng lượng trường diễn; chỉ 62% trẻ được bú sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; chỉ 20% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chỉ 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi; 52% trẻ từ 6-14 tháng tuổi được nuôi đúng đủ là những nguyên nhân ảnh hưởng đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện được chế độ ăn, chăm sóc đinh dưỡng đúng cách thì tầm vóc của người Việt có thể được cải thiện chiều cao của người Việt.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nhân tố chính ảnh hưởng đến thể lực và tầm vóc của con người là: dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), thể dục thể thao (20%), môi trường và tâm lý xã hội (khoảng 16% và 10%). Vì thế muốn nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam thì phải giải quyết được các vấn đề trên bên cạnh các biện pháp khác như xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng…
Gánh nặng về bệnh không lây nhiễm
Việt Nam đang phải giải quyết “gánh nặng bệnh tật kép” gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, trong đó các bệnh không lây nhiễm (mãn tính) đang gia tăng ngày càng trầm trọng. Đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.
Bệnh không lây nhiễm là bệnh phát triển và tiến triển chậm trong nhiều năm, thường là bắt đầu từ tuổi trẻ. Bệnh này đòi hỏi việc điều trị phải có hệ thống, lâu dài, thậm chí cả cuộc đời. Có nhiều bệnh không lây nhiễm khác nhau, tuy nhiên hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam đang ưu tiên phòng chống các bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính. Những bệnh trên có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.
Các bệnh không lây nhiễm hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại trong đó 379.600 (73%) ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm. Điều này đồng nghĩa, cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm-chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%). Ngoài ra, khi mắc các bệnh không lây nhiễm người bệnh có thể bị tàn phế nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện sớm và chăm sóc lâu dài.
Thống kê cho thấy, ở nước ta hiện có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp; 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường; trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ gây bệnh vẫn không ngừng gia tăng như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia; chế độ ăn uống nhiều đạm, thiếu rau, ít hoạt động thể lực dẫn đến thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu… Một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm hiệu quả được các chuyên gia khuyến cáo là hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá; có chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực…
Các bệnh về tiêu hoá
Theo thống kê của ngành y tế, số người thực nhiễm bệnh về tiêu hóa ở nước ta hiện lên đến gần 10% dân số. Đây là một con số rất báo động. Bởi nguyên nhân gây các bệnh tiêu hóa được nói đến nhiều nhất là do vệ sinh an toàn thực phẩm. Và hệ lụy của nó không chỉ là những bệnh về tiêu hóa, mà còn có thể là các bệnh ung thư đe dọa tính mạng.
Theo các giáo sư đầu ngành về tiêu hóa, khi mắc các bệnh tiêu hóa sẽ khiến hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương, dễ dẫn đến ung thư, nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với bất kỳ cơ quan nào khác trong cơ thể. Điều đáng báo động là những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như: Ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, phần lớn được phát hiện khá muộn nên không còn khả năng cứu chữa. Số liệu cho thấy, trung bình mỗi năm VN có từ 11.000 – 12.000 người mắc mới ung thư dạ dày và 8.000 người tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính hơn 50% dân số thế giới bị nhiễm Helicobacter pylori (HP) – một loại vi khuẩn sống trong dạ dày có liên quan tới sự phát sinh ung thư dạ dày. Trong khi ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tỉ lệ nhiễm HP đang giảm thì ở VN, tỉ lệ nhiễm loại vi khuẩn này vẫn còn cao. Hiện nay, bệnh ung thư dạ dày chiếm gần 20% số ca ung thư ở VN.
Nguyên nhân quan trọng khiến các bệnh về tiêu hóa gia tăng là do ô nhiễm môi trường, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm; nhiều người có thói quen ăn uống tùy tiện, thiếu tính khoa học, không đủ chất, ăn các loại thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, nhiễm khuẩn… Các chuyên gia về dinh dưỡng cảnh báo: Với tình trạng tràn lan các loại thức ăn nhiễm độc, thức ăn không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như hiện nay thì chỉ vài năm tới, các bệnh ung thư liên quan tới đường tiêu hóa sẽ tăng mạnh. Theo các chuyên gia đầu ngành về tiêu hóa, những người thường xuyên bị stress, có thói quen thức khuya, ăn uống thất thường, ăn nhiều chất béo, ít vận động, thiếu ngủ… cũng rất dễ bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày, ung thư hệ tiêu hóa (dạ dày, đại tràng)…
Theo thống kê, mỗi người đều đã mắc phải những bệnh về tiêu hóa, nhẹ thì táo bón, rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày, ợ hơi, trướng bụng, nặng hơn thì là viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm ruột, ung thư… Tuy nhiên, người dân lại rất coi nhẹ căn bệnh này mà chưa hiểu rõ về tác động có hại của bệnh lý tiêu hóa đối với sức khỏe con người.
Cùng với vấn đề bệnh tật, tố chất thể lực của thanh niên Việt Nam bị xếp loại kém, thậm chí là rất kém so với tiêu chuẩn của quốc tế hay Nhật Bản. Mặc dù cùng với sự cải thiện chiều cao thì thể lực của người Việt đã có sự cải thiện nhưng thể lực người Việt không đáp ứng cường độ làm việc hiện đại.
Từ những thực trạng trong vấn đề sức khỏe của người Việt Nam, thiết nghĩ mỗi cá nhân cần có sự chủ động chăm lo đến sức khỏe của bản thân. Chính chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh, khoa học mỗi chúng ta tạo nên cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ tạo thành thói quen lâu dài. Từ đó, góp phần nâng cao thể trạng, nâng cao sức khỏe cho người Việt trong tương lai.