Siêng năng, cần cù, tiết kiệm là những đức tính tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay. Nước Việt Nam nằm ở khu vực giữa đường xích đạo, khí hậu thiên về nắng nóng, gió mùa. Điều kiện tự nhiên như thế tạo cho nghề nông phát triển, nhưng đồng thời, thiên tai bão lụt xảy ra thất thường, gây tổn thất lớn về người và của cải vật chất. Ý thức, tư tưởng của người Việt là thuận theo tự nhiên để sống. Trong sản xuất thì con người dãi dầu mưa nắng, cuốc bẫm cày sâu mong cuộc sống được bảo đảm. Và với tư tưởng đó, người dân đã có ý thức “tích cốc phòng cơ” bằng các cách khác nhau nhằm đảm bảo cuộc sống đỡ khó khăn khi thiên tai đến
Từ thực tế như thế, nhiều câu tục ngữ ngắn gọn hoặc có đối, có vần vè, hoặc bằng thơ lục bát nói về cần, kiệm, đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của nhân dân ta. Những câu tục ngữ ấy đã trở thành lời khuyên giản dị, dễ hiểu mà rất thấm thía. “ Ăn phải dành, có phải kiệm” chính là một trong những câu nói về việc tiết kiệm ông cha để lại.
Dành có nghĩa là giữ lại, để lại sau này dùng. Kiệm là viết tắt của tiết kiệm, hiểu theo nghĩa phổ thông, là hành vi giảm thiểu các lãng phí.
Có rất nhiều những câu chuyện về đức tính tiết kiệm của Bác Hồ. Trong đó, câu chuyện Bác phê bìnhThông tấn xã Việt Nam in bản tin một mặt đưa lên cho Bác là lãng phí giấy là một điển hình. Sau khi bị Bác phê bình, Thông tấn xã in hai mặt giấy, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969.
Từ câu chuyện về tính tiết kiệm Bác Hồ, chúng ta thấy ý nghĩa của việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, nhằm tích lũy thêm vốn cho tập thể. Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái lớn, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức. Người tiết kiệm là người biết cân đối, chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong quy trình sản xuất, trong hoạt động, nhưng vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong bối cảnh nước ta hiện nay, xây dựng cơ sở hạ tầng, thì vấn đề tiết kiệm càng phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Chỉ có tiết kiệm mới có thể tăng thêm nguồn lực vật chất xây dựng đất nước, chỉ có tiết kiệm mới góp một phần nhanh chóng đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của mọi tầng lớp nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì “ tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực”.
Đừng bao giờ nghĩ rằng phải làm được những việc lớn lao, phải thực hiện được những cái cao siêu thì mới thể hiện được tinh thần tiết kiệm của mình. “Kiệm”đơn giản chỉ là tắt một chiếc quạt, tắt một cái đèn, khóa lại một vòi nước khi không sử dụng; là tận dụng sử dụng hiệu quả thời gian, một tờ giấy, một cây viết,… là biết giữ gìn tài sản của công, luôn luôn tự nhắc nhở bản thân không nên phung phí vào những việc không cần thiết.
Tiết kiệm, trong kinh tế học, là phần thu nhập có thể sử dung không được chi vào tiêu dùng. Khoản thu nhập không được tiêu dùng sẽ được đầu tư để sinh lời. Chính vì thế, trong một nền kinh tế khép kín, tiết kiệm bằng với đầu tư.
Trong chi tiêu nội bộ luôn xem xét kỹ từng mục chi cho phù hợp, tránh chi tiêu lãng phí, đồng thời điều tiết các mục chi phù hợp, đặc biệt là nguồn kinh phí được lập kế hoạch hằng năm của các đơn vị được tính toán kỹ từ đầu năm, đó chính là thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở các cơ quan,doanh nghiệp. Trong chi tiêu, khi nguồn chi quá 50 triệu thì phải được sự phê duyệt của chủ tịch HĐQT.Thực hành tiết kiệm, sẽ góp phần tích tụ nguồn lực để đầu tư và tái đầu tư, nhất là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với công ty cổ phần Nicotex ( Công ty mẹ), kể từ năm 2014 đến năm 2016, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đều năm sau giảm so với năm trước. Nhưng do thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chi phí quản lý của các năm cũng đều giảm, ước tính năm 2015 chi phí quản lý bằng 91% so với năm 2014; năm 2016 bằng 84% so với năm 2015. Chính do thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí mà hàng năm, lợi nhuận của công ty đều tăng cao. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã thành lập được Quỹ phục vụ phát triển khoa học công nghệ, quỹ xúc tiến bán hàng, quỹ tấm lòng vàng … – Là nền tảng để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các thành viên Nicotex.
Có thể thấy, dù trong điều kiện kinh tế khó khăn hay dư dả, việc tiết kiệm để dành nguồn lực luôn là điều cần thiết. Nicotex ở giai đoạn hiện tại, rất cần các đơn vị thực hiện tiết kiệm. Tiết kiệm, để tạo nguồn lực dành cho đầu tư mở rộng ngành nghề, nhất là trong bối cảnh những năm sắp tới, ngành nghề kinh doanh chính của công ty ngày càng bị thắt chặt. Nếu thực hành tiết kiệm ở các đơn vị nói riêng và toàn hệ thống nói chung đạt được những con số đáng kể như của Công ty mẹ đã thực hành trong 3 năm vừa qua, thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm đầu tư vào những ngành nghề mà công ty dự kiến mở rộng. Đó chính là cách mà Nicotex thực hành “ Ăn phải dành, có phải kiệm” và cũng chứng minh tầm “ nhìn xa trông rộng” của những người lãnh đạo Nicotex.
Thực hành tiết kiệm – thực cần lắm thay.