Theo bài phân tích trước kia trên Bản tin số 2 của tác giả Nguyễn Thanh Giang thì dường như những năm “thất, bát” (có đuôi bảy, tám) có một sự trùng hợp là nền kinh tế cũng có sự mất mát, khủng khoảng như ý nghĩa của 2 từ này. Bằng các phân tích, dẫn chứng cho thấy trước đó, những năm “thất, bát” của thế kỷ 20, nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng đã có thời kỳ lâm vào khủng hoảng. Không bàn đến những thời gian đã qua, nhìn vào biểu đồ phát triển của kinh tế VN năm 2008 chúng ta cũng có thể thấy được những bước thăng/trầm rõ rệt.
Sự khủng hoảng bắt đầu từ cuối năm 2007 và bộc lộ mạnh mẽ vào đầu năm 2008. Lên đến cao trào là tháng 3/2008 với những biến động mạnh mẽ của đồng USD, giá vàng, giá dầu mỏ… Đến tháng 5/2008, nền kinh tế Mỹ khủng hoảng làm cho nền kinh tế thế giới bị những ảnh hưởng không nhỏ. Tại nước ta, lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên đến 30% – tình hình này đã làm cho việc thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán, bất động sản dường như chững lại, đồng USD vì thế mà tăng giá (1 USD có giá trị lên đến hơn 19.000 VNĐ). Hay đúng hơn là đồng tiền Việt Nam bị mất giá, đầu tư nước ngoài ít nên các nhà đầu cơ tăng cường tích lũy ngoại tệ càng làm tình trạng khan hiếm ngoại tệ bị đẩy lên đỉnh điểm. Để khống chế khủng hoảng, Nhà nước đã sử dụng công cụ tài chính ngân hàng (áp dụng các biện pháp tăng lãi suất cơ bản của ngân hàng Nhà nước, thắt chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp, kiểm soát chặt tỷ giá ngoại tệ) và thực hiện cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công một cách quyết liệt. Bằng các biện pháp này, lạm phát đã bị kiềm chế hiệu quả và mang lại sự bình ổn cho kinh tế đất nước. Nhưng sau quá trình khủng hoảng thanh khoản là thời kỳ suy thoái, tiêu điều của nền kinh tế. Các doanh nghiệp trong các ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, tài chính bị ảnh hưởng, tác động rất lớn.
Biện pháp cắt giảm đầu tư đã khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng gần như bị triệt tiêu do sản xuất đình đốn, thua lỗ. Không riêng gì ngành xây dựng, các ngành khác, các doanh nghiệp, cá nhân khác trong cuộc “chạy đua” cùng sự tăng giá phi mã của đồng USD đã tăng cường tích trữ hàng hóa, tăng cường đầu tư cũng chịu nhiều tác động. Khi các biện pháp mạnh được áp dụng, lạm phát bị kiềm chế thì đồng USD giảm giá một cách nhanh chóng (1USD = hơn 16.000 VNĐ). Lúc này, các doanh nghiệp lao đao vì phải chi trả một khoản chênh lệch lớn về giá ngoại tệ (từ lúc nhập hàng vào với thời điểm bán ra). Hơn thế, các doanh nghiệp lại chịu thêm một cú knock out nữa của sự giảm giá hàng. Giá USD giảm, nhu cầu tiêu dùng giảm, các doanh nghiệp đua nhau bán hàng với giá thấp nhất để thu hồi được vốn. Họ chấp nhận thua lỗ – miễn là có tiền thanh toán cho đối tác, cho các ngân hàng nhằm tránh được cái án phá sản!
Đến nay, cơn bão khủng hoảng đã và đang phơi bày ra những hậu quả, những sự điêu tàn, đó là: Doanh nghiệp thua lỗ, kéo theo giá hàng hóa giảm – có những mặt hàng giảm cực mạnh; Là tình trạng sản xuất đình đốn, người lao động mất việc làm, từ đó xảy ra đình công, rối loạn; Là các doanh nghiệp đi vào cố thủ, cầm cự sản xuất với sản lượng thấp nhất cân bằng điểm hòa vốn dẫn đến phải cắt giảm nhân sự. Đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều doanh nghiệp do không có khả năng thanh toán đã phải bán nhánh hàng hóa một cách không thương lượng. Nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, phải bán và sáp nhập do không còn khả năng thanh toán.
Thời kỳ suy thoái, tiêu điều này theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế sẽ kéo dài đến hết tháng 3/2009. Nằm trong sự tác động chung ấy, ngành nghề sản xuất – kinh doanh thuốc BVTV cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Muốn đứng vững được qua giai đoạn suy thoái này đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh, có sự phân tích tình hình thấu đáo, có hiểu biết, cân nhắc kỹ trước khi đầu tư và thực hiện tốt 04 nhóm giải pháp.
Nhóm giải pháp về kinh doanh (tiêu thụ và chính sách tiêu thụ) đặc biệt cần quan tâm đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tích cực bán hàng, thu tiền đúng hạn, khuyến khích thu tiền ngay và tiền nhanh; Phân tích cho các khách hàng hiểu tình hình kinh tế đang trong trạng thái suy tàn, cần phải cùng nhau thông cảm, tránh những sự hiểu lầm không đáng có… Những nhiệm vụ này đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tiêu thụ sản phẩm phải tích cực theo sát từng chi nhánh, có sự chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc kịp thời, tận nơi. Có như vậy mới có thể đưa ra được những chính sách phù hợp về giá cả, lượng hàng cung ứng; Đồng thời, đảm bảo thu hồi công nợ bằng những chính sách thích hợp với từng địa bàn, từng đối tượng khách hàng. Khi có chính sách phù hợp sẽ tác động tốt đến việc kinh doanh và hạn chế sự thua lỗ, đảm bảo được đời sống cho người lao động. Nếu thu nhập thấp dễ dẫn đến những khủng hoảng về tâm lý, đời sống của người lao động… Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có rất nhiều cuộc bãi công của công nhân các nhà máy, khu công nghiệp do mất việc, thu nhập thấp. Nguyên nhân cũng bắt nguồn từ việc các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.
Nhóm giải pháp về kế hoạch, tài chính gồm các nhiệm vụ: Thực hiện thắt chặt tiết kiệm trong chi phí về mọi mặt (liên hoan, hội nghị, vận chuyển, cắt giảm nhân sự…); Kiểm soát chặt kế hoạch về sản lượng, đánh giá hệ thống nhà xưởng, các hạng mục đầu tư; Liệt kê và phân tích các loại chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ Phòng Tài chính và Phòng Kế hoạch phải có bước tính toán chi tiết, cụ thể về các khoản chi phí để đưa ra những định mức chi hợp lý, đưa ra được kế hoạch phù hợp, có tính khả thi.
Đối với bộ phận phụ trách tư tưởng, tổ chức, nhân sự thì cần tăng cường giáo dục tinh thần mình vì mọi người, tinh thần vì tập thể; Kiểm soát chặt việc tuyển dụng nhân sự, chỉ tuyển khi nhân sự đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu công việc, tránh tuyển bằng mọi giá; Đẩy mạnh tái cấu trúc công ty.
Tái cấu trúc công ty là giải pháp có tính dài hạn đòi hỏi mỗi đơn vị mới thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, trong đó nhấn mạnh cần đẩy mạnh tái đào tạo để nâng cao năng lực quản lý, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý. Xác định lợi thế cạnh tranh…
Đó là những nhiệm vụ được phân chia ở tầm vĩ mô cho các bộ phận khác nhau. Còn đối với cá nhân mỗi CBNV đang sống, làm việc ở công ty Nicotex thì cần làm những gì? Chúng ta cũng không cần nghĩ mình sẽ làm được những gì quá lớn lao mới là đóng góp công sức cho công ty ở thời kỳ “hậu khủng hoảng” này. Đơn giản, mỗi cá nhân chỉ cần thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm triệt để, hạn chế tối đa những nhu cầu không cần thiết. Thực hiện tiết kiệm – không chỉ trong vấn đề chi tiêu của mỗi cá nhân mà ngay cả trong những điều nhỏ nhất là sử dụng điện, nước ở văn phòng, nhà xưởng, nhà tập thể…
Vì sao chúng ta phải tiết kiệm? Đây không chỉ là mục tiêu của riêng các cá nhân ở Nicotex mà cả xã hội đang thực hiện điều này. Chúng ta tiết kiệm vì tình hình kinh doanh của công ty khó khăn, khi doanh thu thấp dẫn đến thu nhập không cao. Thắt lưng buộc bụng để dành dụm, giúp cân đối được ngân sách trong gia đình phòng những khi thu nhập thấp, tránh được sự “dè chẳng ra” vì trót “chẳng ăn de” khi có đầy đủ. Điều này góp phần làm ổn định đời sống gia đình, ổn định tâm lý…. tránh được những cú sốc, sự hụt hẫng khi nhận được tiền lương với so giá cả thị trường.
Tình trạng khủng hoảng, suy thoái là chung của toàn xã hội. Chúng ta chấp nhận làm kinh tế thì cũng đồng nghĩa phải chấp nhận những lúc thuận buồm xuôi gió cũng như những lúc khó khăn. Bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, chúng ta sẽ thấy đó cũng là quy luật và sẽ thấy dễ chấp nhận, dễ bằng lòng hơn. Mỗi cá nhân chỉ cần chịu hi sinh một chút và quyết tâm hơn nữa để cùng công ty trải qua giai đoạn này. Khi tập thể có sự đồng thuận sẽ tạo thành sức mạnh. Chúng ta tin rằng sức mạnh ấy sẽ đưa con thuyền Nicotex phát triển đúng hướng và qua được những khó khăn. Sau giai đoạn suy thoái sẽ là giai đoạn phục hồi, sau sự hủy hoại sẽ là sự hồi sinh…
Vân Hà