Bón phân tiết kiệm cho lúa đông xuân ở ĐBSCL
Ở ĐBSCL có ba nhóm đất chính gồm: 1,60 triệu ha đất phèn, chiếm 41%; 1,18 triệu ha đất phù sa, chiếm 30% và 0,74 triệu ha đất mặn, chiếm 19%.
Bài 1 – Bón phân cho vùng đất phèn, đất phù sa, đất mặn
Do đó theo khuyến cáo lượng phân bón theo từng loại đất và từng mùa vụ cũng khác nhau. Đặc biệt đối với những vùng đất lúa trong vụ đông xuân (ĐX) này, bên cạnh các khuyến cáo từ Sở NN&PTNT địa phương, bà con nông dân cần lưu ý cách bón phân phù hợp theo từng tiểu vùng sinh thái ở khu vực đất đang canh tác.
Vùng đất phèn:
+ Tiểu vùng đất phèn tiềm tàng, không nhiễm mặn, ngập sâu 1-1,5 m trong mùa lũ, với cơ cấu cây trồng phổ biến là hai vụ lúa ĐX và HT. Đây là vùng ngập sâu thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Công thức khuyến cáo bón phân cho vụ ĐX là 100-60-50 (tức là 100 kg đạm (N) nguyên chất + 60 kg lân ( P2O 5) nguyên chất + 50 kg kali (K2O) nguyên chất), mức trung bình là 80-30-25 và mức thấp là 60-30-25.
+ Tiểu vùng đất phèn tiềm tàng, không nhiễm mặn, ngập cạn với cơ cấu hai vụ lúa ĐX và HT, thuộc vùng xa sông, không nhiễm mặn trong mùa khô, ngập lũ sâu dưới 0,5 m và thời gian ngập ngắn dưới 3 tháng thuộc TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long và Long An. Công thức khuyến cáo bón phân mức cao là 110-60-50, mức trung bình 90-30-25 và mức thấp là 60-30-25.
+ Tiểu vùng đất phèn hoạt động không nhiễm mặn, ngập sâu, cơ cấu hai vụ lúa ĐX và HT với phần lớn diện tích phân bố tập trung ở hai vùng rộng lớn là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang) và Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang). Ngoài ra một phần diện tích của huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Đặc điểm chính của tiểu vùng này là đất phèn nặng, ngập sâu trên 1 m, có nơi trên 2 m, thời gian ngập kéo dài trên 3 tháng. Công thức phân bón khuyến cáo ở mức cao là 90-60-50, mức trung bình 70-30-25 và mức thấp là 50-30-25.
+ Tiểu vùng đất phèn hoạt động, không nhiễm mặn, ngập trung bình đến cạn với cơ cấu ba vụ lúa trong năm, phân bố rải rác ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang. Hằng năm tiểu vùng này chịu ảnh hưởng của lũ trong mùa mưa với độ sâu ngập lụt từ trung bình đến thấp và thời gian ngập ngắn. Công thức phân bón khuyến cáo ở mức cao là 100-80-50, mức trung bình 80-40-25 và mức thấp là 60-40-25 .
+ Tiểu vùng đất phèn hoạt động, nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX và HT bao gồm những khu vực đất phèn từ trung bình đến nặng của các tỉnh Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Trong mùa mưa, vùng này chịu ảnh hưởng của lũ với mực nước ngập từ trung bình đến thấp và thời gian ngập ngắn. Vùng này nhiễm mặn dưới 3 tháng (tháng 3-5) trong mùa khô. Vụ ĐX thường xuống giống sớm và thu hoạch trước khi mặn xâm nhập. Công thức bón phân khuyến cáo ở mức cao là 120-80-60, mức trung bình 100-40-30 và mức thấp là 80-40-30.
Vùng đất phù sa:
+ Tiểu vùng đất phù sa không nhiễm mặn, ngập sâu với cơ cấu hai vụ lúa ĐX và HT bao gồm vùng đất phù sa không bị nhiễm mặn của các tỉnh An Giang , Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP. Cần Thơ. Hằng năm vùng đất này chịu ảnh hưởng lũ lụt trong mùa mưa với mức ngập sâu trên 1m và thời gian ngập kéo dài. Hai vụ lúa ĐX và HT là cơ cấu chính. Công thức phân bón khuyến cáo ở mức cao là 100-40-50, mức trung bình 80-20-25 và mức thấp là 60-20-25.
+ Tiểu vùng đất phù sa không nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX – HT phân bố tập trung gần các sông lớn thuộc tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang. Hằng năm tiểu vùng này chịu ảnh hưởng của lũ với mức nước ngập trung bình từ 1-1,5 m, tưới tiêu thuận lợi. Hai vụ lúa trong năm là cơ cấu chính. Liều lượng chất dinh dưỡng khuyến cáo ở mức cao là 110-40-50, mức trung bình 90-20-25 và mức thấp 70-20-25.
+ Tiểu vùng đất phù sa, không nhiễm mặn, ngập cạn với cơ cấu ba vụ lúa trong năm thuộc vùng đất phù sa ven sông tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tiểu vùng này ít chịu ảnh hưởng của ngập lũ (mức nước ngập dưới 0,5 m hoặc không ngập ), tưới tiêu thuận lợi. Ba vụ lúa là cơ cấu chính. Lượng chất dinh dưỡng khuyến cáo ở mức cao là 120-60-50, mức trung bình 100-40-30 và mức thấp là 90-40-30.
Vùng đất mặn :
+ Tiểu vùng đất phù sa, nhiễm mặn, ngập trung bình với cơ cấu hai vụ lúa ĐX–HT thuộc vùng đất phù sa ven biển của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kiên Giang. Vào mùa khô, hầu hết các sông rạch trong tiểu vùng bị mặn xâm nhập trong khoảng thời gian dưới 3 tháng (từ tháng 3-5 ). Mực nước ngập mùa lũ từ trung bình đến cạn. Lượng phân bón khuyến cáo mức cao là 120-40-60, trung bình 100-40-30 và mức thấp là 80-20-30.
+ Tiểu vùng đất phù sa, nhiễm mặn, ngập cạn đến không ngập với cơ cấu hai vụ lúa ĐX-HT cũng thuộc vùng đất phù sa cao ven biển tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Kiên Giang, bị nhiễm mặn vào mùa khô từ tháng 2-5 và không bị ngập trong mùa lũ. Ở tiểu vùng này, tưới nước cho vụ ĐX gặp nhiều khó khăn, do đó vụ ĐX thường bắt đầu sớm và kết thúc trước khi các sông rạch bị nhiễm mặn. Vụ HT thường cho năng suất cao hơn vụ ĐX. Lượng chất dinh dưỡng khuyến cáo mức cao là 130-40-60, mức trung bình 110-20-30 và mức thấp là 90-20-30.
Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến những tiểu vùng mà nơi đó chỉ có hệ thống lúa hè thu, lúa thu đông hoặc lúa mùa. Số liệu bình quân của mức phân bón khuyến cáo trung bình ở vùng đất phèn, kể cà phèn tiềm tàng và phèn hoạt động là 84-34-26 . Tương tự ở vùng đất phù sa không nhiễm mặn là 90-26,7-26,7 và vùng đất phù sa nhiễm mặn là 105-30-30. Hiện nay nuôi trồng thủy sản đã phát triển tốt ở ĐBSCL. Nuôi cá, tôm luân canh trên chân đất lúa ngày càng được nông dân hưởng ứng. Ở vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên nông dân bỏ hẳn vụ lúa hè thu và mặt ruộng được biến thành một hồ nước lớn nuôi tôm càng xanh có cho ăn thức ăn công nghiệp thì vụ lúa đông xuân có thể giảm được 30-40% lượng đạm, lân và kali do độ phì của đất gia tăng từ chất thải và thức ăn dư thừa.
PGS TS Dương Văn Chín
Theo Nongnghiep.vn