Trần Xuân Đức – một trong những người đầu tiên ở Nicotex đã cùng công ty khởi nghiệp, vượt qua giai đoạn tồn tại, cùng đấu tranh để phát triển. Anh là một chiến sỹ xung kích, một tướng tiên phong đi “mở mang bờ cõi”, từ thị trường miền Bắc đến miền Trung và Tây Nguyên đều có mặt anh; Các công trình kiến trúc của văn phòng Chi nhánh 3, 5 cũng có dấu ấn của anh; Sản phẩm của anh còn là xây dựng được đội ngũ nhân sự kế cận: Giám đốc Chi nhánh 6,5,3,8.
Khi công ty cổ phần hóa năm 2003, được hưởng chính sách nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá nhưng anh đã ở lại cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Năm 2008 công ty đã hoàn thành cổ phần hóa, ổn định có nhiều thuận lợi hơn về chính sách lương, đãi ngộ cho CBCNV. Lúc này, thấy sứ mệnh đã hoàn thành anh xin nghỉ để trở về thành phố Thái Bình chăm lo cho gia đình. Là người được sống và làm việc với anh ngay từ thời mới vào Nicotex tôi đã học được ở anh nhiều điều hôm nay xin được tâm sự cùng các bạn.
Mọi việc đều làm: Từ nhỏ đến lớn – Từ gần tới xa, thân đến sơ
Nhà thơ Tản Đà nói: “Có những người việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, vậy thì họ làm gì?”. Đối với anh thì việc lớn, việc nhỏ đều làm hết, mà một cách nhiệt tình và trách nhiệm cao.
Khi xây dựng xí nghiệp thuốc trừ sâu thảo mộc Nicotex bên cạnh Giám đốc Nguyễn Thành Nam lúc này có Nguyễn Đức Cảnh, Trần Xuân Đức, Nguyễn Văn Hùng (Hùng béo) Nguyến Thế Kỳ là sỹ quan và một số các chiến sỹ khác. Bởi cùng một lúc phải duy trì cả Xí nghiệp xây lắp và Xí nghiệp Nicotex nên mọi công việc của Nicotex giám đốc Nam đều giao anh quán xuyến và coi anh như “cánh tay phải”. Vì vậy, mọi việc “thượng vàng hạ cám” đều phải làm như : mua vật tư, chỉ đạo trông coi công trình, tham gia vận hành xí nghiệp, thu mua cây thuốc lào, đi khảo nghiệm… Chuyện đó đối với một sỹ quan quân khí đã phải điều hành chế tạo bảo dưỡng mìn, lựu đạn như anh là chuyện nhỏ. Sang giai đoạn phải đi bán hàng để tồn tại là một bước ngoặt và thách thức lớn, nhưng cũng không vì thế mà làm anh nao núng tinh thần. Anh đặt ra chiến thuật bán ít một để thăm dò, hãy bắt đầu từ nơi mình quen, nơi gần mình. Điều này nghĩ không kỹ cho là… vớ vẩn. Nhưng ngẫm kỹ lại thì thấy trong kinh doanh hiện đại vẫn đang phải dùng cách này.
Đầu tiên chở hàng về giới thiệu cho người nhà ở quê (Thái Thụy) dùng phun ngay trên ruộng lúa nhà anh em họ hàng mình. Cứ thế từng ít một, từ nhà lan đến cả xóm, rồi cả xã đều biết và dùng sản phẩm và sau này anh trai anh ( Anh Chám) đã mở một cửa hàng bán thuốc của Nicotex cung ứng cho cả xã. Một địa điểm nữa anh cũng phát triển bán được hàng đó là khu vực xã Trần Lãm cũng giới thiệu cho xung quanh dùng thử và sau đó cũng mở cửa hàng bán sản phẩm.
Khi mở rộng thị trường sang Nam Định cũng theo cách này, từ nhà đến bán kính gần nhà…lai thuốc đi theo, đảm bảo sao cho sáng đi/tối về nhà, ngủ ở nhà để tiết kiệm chi phí, rõ ràng đây là một cách mở thị trường chậm chắc đến đâu được đó , tiết kiệm chi phí và quản lý được tình hình.
Anh là người đã đặt nền móng đầu tiên cho thị trường Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình sau đó chuyển giao lại cho anh Hóa, anh Cung, anh Nhật và hiện nay giao cho Chi nhánh Thái Bình quản lý. Các đại lý nổi tiếng ở đây đến giờ vẫn chưa quên anh.
Năm 1995 Đại úy Trần Xuân Đức cùng một Kỹ sư trẻ mới ra trường – Phan Ngọc Tuân, vào Đà Nẵng. Vẫn chiến thuật từ nhỏ đến lớn, từ xa đến gần từ quen sẽ thành thân của anh. Lúc đầu ở Hotel một tuần để ngắm phố, hiểu người, sau đó anh xin rút về nhà trọ nhằm giảm chi phí, có định hướng tìm thuê nhà dài hạn. Còn nhớ, nơi anh ở và đặt trụ sở cho Chi nhánh 3, làm bàn đạp phát triển thị trường Tây Nguyên là căn nhà tại Ngã Ba Huế trên mặt đường 1. Năm 1996 Thành lập chi nhánh Đà Nẵng do anh làm Giám đốc; Sau khi tìm đất, xây văn phòng, ổn định nhân sự, thị trường năm 1998 Chi nhánh 3 mở rộng thị trường lên Tây nguyên; Năm 2000 thành lập Chi nhánh Đắk Lắk). Chậm chắc từ gần tới xa, triển khai đi vào các Trung đoàn của Binh đoàn 15, các công ty của Quân đội để giới thiệu sản phẩm, bán hàng. Từ trạm khách Quân đội ở Mai Hắc Đế Thành phố Buôn Ma Thuật, anh xin đất xây văn phòng. Đắk Lắk ổn định, thành lập Ban kinh doanh Gia Lai – tiền thân của chi nhánh Gia Lai.
Xác định mục tiêu và kiên trì bám mục tiêu
Anh là người đầu tiên mang thuốc trừ sâu thảo mộc Nicotex lên nông trường chè Mộc Châu để bán. Tôi được cùng đi với anh thời đó và những ngày nằm trên nông trường chè Mộc Châu với anh cũng là một kỷ niệm và là bài học đầu tiên cho tôi về nghề bán hàng. Tìm đúng địa chỉ, đúng người có quyền quyết định là điều rất quan trọng. Chiến lược thu tiền cũng vậy, phải chọn đúng mục tiêu đòi ai và kiên trì theo đuổi…
Tôi vẫn nhớ thời đó còn bao cấp, nông trường chè Mộc Châu đã nhận hàng nhưng chưa có tiền. Nếu đi từ Thái Bình lên Mộc Châu thu tiền thì chi phí đi đường, đi đi/về về khá tốn kém. Công ty đã từng phải bỏ cuộc ở các vùng xa như thế vì không đủ kiên nhẫn, thời gian và chi phí. Nhưng anh với Trần Xuân Đức thì lại hoàn thành xuất sắc bán được hàng, thu hết tiền, không có nợ đọng và thất thoát. Anh nói với tôi “phải lì em ạ…”.
Thế là chiến lược được hoạch định, hàng ngày anh và tôi cứ thay nhau mặc quân phục lên Phòng Tài vụ và Phòng Kỹ thuật, Ban giam đốc Nông trường chơi. Khi các cán bộ hỏi thì bảo: “Không, em chẳng có việc gì… lên xem có tờ báo nào mượn đọc, nằm nhà khách buồn quá”. Cứ thế 2 anh em suốt ngày diễn đến hơn 2 tuần không lấy được tiền. Vẫn kiên trì áp dụng chiến thuật này nhưng một người về, một người ở lại. Và cuối cùng chúng tôi đã thành công.
Đấy chỉ là chuyện vui về việc theo đuổi mục tiêu đến cùng của Trần Xuân Đức. Còn thực tế, để có các cơ ngơi của văn phòng các chi nhánh 3, 5, một hệ thống đại lý và việc chi nhánh 5 luôn hoàn thành kế hoạch (kể cả những thời kỳ khó khăn nhất) thì mới thấy việc đặt ra mục tiêu và bám mục tiêu đến cùng là điều quan trọng, không phải ai cũng kiên trì và làm được như anh. Hỏi về bí quyết anh chỉ nói: cứ lắng nghe ý của người chỉ huy mà làm, đấy là mục tiêu chung, làm theo đó sẽ được ủng hộ, sẽ thành công!
Xem thời sự – nghe thời sự – đọc báo
Là môt sỹ quan chỉ huy chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là kinh doanh, phải đi nhiều, phải biết nói chuyện và biết thuyết phục. Với Trần Xuân Đức – những lý thuyết cao sang anh không có, những câu nói văn hoa triết lý anh cũng không. Chẳng học qua kinh tế chính trị cũng như kiến thức quản trị, nhiều lúc anh vẫn đùa “Tớ trình độ sau Đại học” – đứng sau người học Đại học. Với anh không biết phải hỏi, cái gì không biết và mơ hồ phải hỏi ngay. Chỉ đi sửa xe máy nghe anh hỏi thợ sửa cũng sốt cả ruột. Những gì về kỹ thuật, thị trường, cách làm anh rất chịu khó hỏi. Theo anh Hỏi là Học vì hỏi sẽ được giải thích, được chủ động tiếp thu hơn là tìm tài liệu đọc. Một thói quen của lính vẫn luôn trong anh đó là đọc báo, nghe đài, xem, nghe thời sự trên truyền hình và đài phát thanh. Anh nói: Tất cả mọi mặt của đời sống xã hội đều được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng…, khi nghe nhớ tổng hợp và có bình luận, chính kiến của mình thì sẽ có kiến thức. Anh đã nhiều lần được giám đốc Nam lấy làm gương cho mọi người khác về việc chịu khó nghe, xem thời sự và có suy nghĩ…
Sống phải thật chân thành
Cũng như nhiều người Nicotex, ở anh là nếp sống giản dị, không cầu kỳ. Khi tôi còn làm ở phòng Tiêu thụ thì thấy trong cách xử lý công việc anh là người rất ít kêu ca phàn nàn, ít mè nheo, mặc cả so đo. Ví như với việc phải quan hệ nhiều, đi nhiều khi làm cho hai chi nhánh nhưng suốt một thời gian dài anh vẫn chỉ có chiếc U-Oat cũ, không máy điều hòa. Nhiều người đi xe cùng với anh hay kêu ca vì nóng, anh thường nhắc “Đừng có kêu ca, kêu lên có đỡ hơn đâu, kêu làm gì?”.
Sau 18 năm làm ở Nicotex, anh không những để lại thị trường cho thế hệ tiếp sau mà còn góp sức tạo nên đội ngũ cán bộ cốt cán của các Chi nhánh rất chững chạc và nhiều tiềm năng như Phan Ngọc Tuân, Nguyễn Quí Đông, Nguyễn Ngọc Dương, Phan Văn Hải. Các anh em Thuyên, Đài Chi nhánh 5, Thuyến Phòng tài chính, Toàn Chi nhánh 3, Khánh Chi nhánh 6 đều được anh tạo điều kiện phát triển đúng sở trường. Anh luôn được nhân viên coi như người chú, người anh thực thụ. Khi có điều chưa đúng, anh chân thành nói trước cuộc họp, hoặc gặp riêng để nói lời xin lỗi. Sự chân thành này cũng là biểu hiện chữ Nhẫn trong hành xử. Và việc về nghỉ sớm của anh cũng đơn giản, một để củng cố, chăm lo gia đình; hai là để nhường chỗ cho lớp trẻ vì anh nghĩ làm bằng kinh nghiệm sẽ đi đôi với bảo thủ.
Đời người như chớp mắt của lịch sử, hơn 51 năm tuổi đời, 30 năm tuổi quân đi qua, 18 năm gắn bó với Nicotex. Từ lúc anh đi lính (năm 1977) nhân nhân viên của anh chưa ra đời nay đã thay anh làm giám đốc chi nhánh. Luôn hoàn thành nhiệm vụ từ mở thị trường vượt qua khó khăn, tạo và xây dựng các cơ sở vật chất các văn phòng công ty CN3, CN5, đào tạo nhân sự một cống hiến không nhỏ cho công ty cho xã hội.
Không quảng cáo, nhưng với anh tôi phải mượn ngôn từ quảng cáo để kết thúc cảm nhận: Không ồn ào, không khoa trương, “không cao – nhưng mọi người đều phải ngước nhìn” Đó là Trần Xuân Đức!
Cách làm việc cùng những quan điểm sống của anh đáng để chúng ta những người Nicotex trân trọng và học tập noi gương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Giang