Nhà nông chẳng ai là không biết cỏ lồng vực, chúng mọc chen lẫn trong lúa. Chỉ cần một mùa thôi, nếu không phòng trừ tốt lỡ để hạt rụng xuống ruộng thì thôi, không biết bao nhiêu mùa sau mới nhổ hết được. Không những vậy, khi thu hoạch nếu không cẩn thận hạt cỏ lồng vực lẫn với hạt thóc sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của gạo sau khi xay xát. Mà nguy hại hơn khi hạt cỏ lẫn trong lô hạt giống, sẽ chính là nguồn “cỏ giống” bổ sung cho vụ sau, gây tốn kém rất nhiều trong công tác phòng trừ cho bà con. Vậy, cỏ lồng vực tím hại lúa có phải dịch hại mới?
Cỏ lồng vực tím hại lúa liệu có phải dịch hại mới?
Tên khoa học: Echinochloa Glabrescens
Họ: Hòa bản (Poaceae)
Lồng vực có khả năng đẻ nhánh mạnh và trỗ hoa quanh năm. Tuy nhiên, cỏ lồng vực sau khi mọc khoảng 50 ngày là có thể trỗ hoa, thời gian sinh trưởng ngắn so với lúa nên hạt cỏ thường chín trước lúa và rụng trở lại ruộng trước khi lúa được thu hoạch. Chỉ với một cây cỏ lồng vực ở đầu vụ lúa, nhưng đến cuối vụ cỏ có khả năng sinh sản lên tới hàng trăm hạt, tốc độ tích lũy nhanh. Nếu không có công tác phòng trừ tốt, chỉ vài vụ là lồng vực có thể mọc dày đặc trên ruộng và gây khó khăn cho công tác phòng trừ của bà con nông dân.
- Đặc điểm nhận dạng
Cùng họ với lúa, nên cỏ lồng vực tím khi chưa trỗ hoa nhìn rất giống cây lúa, nhưng không có tai lá (bẹ chìa) và có màu nhạt hơn lúa.
Cỏ lồng vực có thời gian sinh trưởng ngắn
Đây là loại là loại cỏ dại hằng năm, mọc thành khóm, nhiều chồi mảnh, cao 70 – 75 cm, mọc bò lan. Thân dẹt, gốc thường đỏ tím. Bẹ lá dẹt , nhẵn , mép bẹ mở ở trên, hơi đỏ ở dưới , phiến lá nhẵn dẹt, hình lưỡi gáo hơi mềm, dài khoảng 25 cm , rộng 3 – 7 mm. Cụm hao màu xanh lục tím tán dài. Quả và bông hình bầu dục, sinh sản bằng hạt
Đối với những cây cỏ lồng vực tím, bông có màu đỏ tím và thường khó trừ hơn rất nhiều so với loại cỏ lồng vực thường.
- Đặc điểm phát sinh gây hại
– Được đánh giá là loài cỏ “phàm ăn”, cỏ lồng vực cạnh tranh rất mạnh về dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây lúa, gây thất thu lớn cho bà con. Điều kiện thuận lợi mà loại cỏ này ưa thích chính là nơi có nhiều ánh sáng, đất ẩm và giàu đạm. Do đó mà cỏ lồng vực thường phát triển nhiều trong ruộng lúa, mương nước và đầm lầy…
Cỏ lồng vực phát triển nhiều trong ruộng lúa, mương nước và đầm lầy
– Không chỉ có vậy, cỏ lồng vực còn có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của ngoại cảnh hơn rất nhiều so với cây lúa và có khả năng thích ứng rất rộng. Chúng có thể phân bố rất phổ biến ở các vùng nhiệt đới cho đến cận nhiệt đới. Đặc biệt, ở Việt Nam có lồng vực còn phát sinh và gây hại ở tất cả các vùng trồng lúa, chỉ cần ở đâu có lúa nước là ở đó có lồng vực.
Cỏ lồng vực có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt của ngoại cảnh
– Trên thực tế cho thấy, những đồng ruộng bị thiếu nước ở đầu vụ thì cỏ lồng vực thường phát sinh và gây hại mạnh hơn so với những đồng ruộng có đầy đủ nước. Trong cùng một ruộng, những nơi đất cao thường bị lồng vực gây hại nhiều hơn, hay các ruộng lúa sạ thì cỏ lồng vực cũng gây hại nặng hơn so với các ruộng lúa cấy.
Trên đây là những chia sẻ về cỏ lồng vực tím hại lúa có phải dịch hại mới hay không. Mặc dù đây không phải là dịch hại mới, nhưng đây lại là một trong những vấn đề mà được nhiều bà con quan tâm, vì một số sản phẩm hóa học hiện nay không có hiệu quả đối với loại cỏ này. Vậy đâu là giải pháp phòng trừ cỏ lồng vực tím hại lúa? Kính mời Quý bà con đón xem và theo dõi KỲ 2: BIỆN PHÁP QUẢN LÝ CỎ LỒNG VỰC TÍM HẠI LÚA tại website: www.nicotex.vn để được giải đáp vấn đề này nhé!
Chúc bà con mùa màng bội thu!