I. Bệnh hại cây tiêu: 1. Bệnh thối gốc rễ:
Bệnh thối gốc rễ hay còn gọi là Bệnh tiêu sầu – Đây là bệnh rất nguy hiểm thường làm chết cây hàng loạt, gây mất trắng hoặc làm giảm năng suất trầm trọng. + Tác nhân gây bệnh: Phytopthora và các loài nấm Fusarium, Pythium, Rhizoctonia Các loài nấm này có thể tấn công riêng lẻ nhưng đa số là kết hợp cùng một lúc làm cho cây Tiêu chết nhanh hơn. + Triệu chứng: Cây tăng trưởng chậm hoặc khựng lại, lá úa vàng héo rũ và rụng dần (từ trên xuống hoặc từ dưới gốc lên), cây chết đột ngột nhanh chóng sau khi rụng hết lá (có trường hợp không rụng lá mà héo rũ chết khô luôn cả dây, có trường hợp rụng từng đốt trên thân) hoặc suy yếu qua thời gian vài tháng không cho năng suất rồi chết. Đào bới đất lên xem thấy gốc rễ thâm đen, hư thối, chảy nhựa trơn nhớt. Trường hợp nhẹ gốc rễ bị thâm đen, trường hợp nặng gốc rễ bị thối đen có chất nhờn và mùi hôi. + Biện pháp phòng trị: Nên phòng là chủ yếu, hoặc trị khi bệnh mới chớm xuất hiện. Khi bệnh đã phát triển thì rất khó trị nên nhổ và tiêu hủy cây bệnh. Có thể dùng thuốc hoá học tưới vào gốc hoặc dùng các thuốc trừ tuyến trùng, trừ rầy rệp, côn trùng để hạn chế tác nhân môi giới và điều kiện sinh bệnh
2. Bệnh vàng lá Virus ( Bệnh Tiêu điên)
+ Tác nhân gây bệnh: Là Virus lây lan do rầy, rệp đôi khi là do tuyến trùng hoặc do dụng cụ trong quá trình cắt tỉa nhánh Tiêu, do giống, do vùng trồng Tiêu bị thiếu nước trong mùa nắng. + Đặc điểm: Virus sống trong các mô, mạch cây + Triệu chứng: Lá Tiêu nhỏ, lá vàng mất khả năng quang hợp, dây Tiêu không vươn dài, ít ra hoa, quả non lép, dễ rụng. + Biện pháp phòng trị: – Chọn hom giống không bị bệnh – Thường xuyên cắt tỉa cành nhánh chớm vàng lá, khử trùng bằng cồn các dụng cụ cắt tỉa xong ở từng gốc tiêu – Chăm bón các gốc tỉa để giúp cây phục hồi nhanh – Dùng thuốc trừ rầy, rệp để hạn chế môi giới truyền bệnh.
3. Bệnh meo hồng ( mốc hồng, nấm hồng)
+ Tác nhân gây bệnh: Nấm Corticicum Salmonicolor do điều kiện mưa kéo dài trong các tháng 9, 10, 11 sau các trận mưa lớn nước thường không thoát kịp dẫn đến đất có độ ẩm rất cao, nhiệt độ 280C – 300C, ẩm độ không khí > 85% – Đây là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển mạnh đặc biệt trong các vườn Tiêu rậm rạp. + Triệu chứng và đặc điểm: Nấm gây bệnh trên thân và các nhánh, tạo ra lớp nấm bào tử màu hồng nhạt bao phủ chung quanh vỏ thân, nhánh, cành. Bào tử nấm phát triển thành hệ sợi, có vòi chui sâu vào bên trong mô cây hút chất dinh dưỡng làm cây Tiêu suy kiệt, vàng héo lá, rụng trái non và chết nhánh. Nấm sinh sản rất nhanh và phát tán lây lan bằng các bào tử với số lượng rất lớn + Biện pháp phòng trừ: – Đầu mùa mưa làm rãnh, khơi thông rãnh thoát nước, cắt tỉa dây lươn, cành nhánh vô hiệu, diệt cỏ chung quanh gốc tiêu tạo ra sự thông thoáng cho cây. – Diệt bỏ các cây bị bệnh – Dùng thuốc trừ bệnh Jinggangmeisu 5SL, 5WP, 10WP ở nồng độ 1% phun từ 2 – 3 lần cách nhau 15 ngày.
4. Bệnh héo rũ dây tiêu:
+ Tác nhân gây hại: Phytophthora palmivora, Rhizoctonia solani, Rhizoctonia bataticola, Fomes lignonus. Chủ yếu là Phytophthora palmivora gây tổn thất về năng suất, chất lượng tiêu rất lớn. + Triệu chứng và đặc điểm: Bệnh thường xuất hiện giữa mùa mưa khi nhiệt độ trung bình trên dưới 300C, vườn tiêu ẩm ướt, nước đọng sau mưa, rậm rạp um tùm do cành nhánh vô hiệu, cỏ dại mọc làm thiếu ánh sáng. Khi cây tiêu bị bệnh lá úa vàng, héo rũ nhanh, nấm hại thân, cổ rễ, cuống lá, cuống chùm quả. Các bộ phận gần mặt đất, xung quanh gốc tiêu thường bị nhiễm nặng hơn những phần trên cao. Vết bệnh ở cuống và gân chính lá có màu nâu sẫm, trên thân nhánh có màu thâm đen, ướt. Nấm phá huỷ mạch dẫn của thân, làm cho thân thối nhũn có mùi hắc nhẹ hơi tanh, quả héo, rụng non. Bệnh tiến chuyển rất nhanh từ khi xuất hiện triệu chứng ban đầu đến khi cây héo rũ chỉ trong 7-10 ngày. 2 loại nấm Rhizoctonia solani, Fomes lignonus thường gây hại ở mức độ thấp hơn gây bệnh chủ yếu ở gốc rễ thân ngầm làm gốc bị thối, cây héo chết. + Biện pháp phòng trị: – Trồng tiêu ở nơi đất xốp, giữ đủ ẩm, dễ thoát nước, không bị ngập úng khi có mưa. – Diệt sạch cỏ dại, cắt tỉa dây lươn, cành nhánh vô hiệu, diệt cỏ chung quanh gốc tiêu tạo ra sự thông thoáng cho cây. – Thu dọn các cây bị bệnh
II. Côn trùng hại tiêu: 1. Rệp hại tiêu
a. Rệp muội có 2 loài Aphis sp – màu xanh hơi vàng Toxoptera sp – màu nâu xám Cả 2 loài này đều thuộc họ rệp muội Aphididea + Đặc điểm và triệu chứng: – Sống tập trung ở phần non của cây ở mặt dưới của lá và các ngọn non của dây tiêu, hút nhựa làm tiêu sinh trưởng phát triển chậm, các lá cong queo dị hình. – Nguy hiểm hơn đó là rệp truyền virus từ cây bệnh sang cây khoẻ mạnh. – Chỉ sau 7 – 10 ngày rệp con đã có khả năng sinh sản cho nên mật số tăng nhanh, trong ổ rệp có vài con có cánh đó là rệp cái có chức năng bay đi tìm nơi sinh sống và tạo ổ rệp mới. – Trong quá trình sinh sống rệp tiết ra chất thải thích hợp cho nấm muội phát triển. – Rệp muội phát sinh phát triển mạnh trong mùa nắng và đầu mùa mưa. b. Rệp sáp: Pseudococcus sp + Đặc điểm triệu chứng: – Sinh sống gây hại ở chùm quả, mặt dưới của lá, cành tiêu và ngay cả ở dưới rễ. Chích hút nhựa làm cho quả héo rụng non và tạo điều kiện môi trường cho nấm muội phát triển làm đen vỏ quả, mặt lá, ảnh hưởng đến quang hợp. – Sống thành từng ổ, rệp non trên mình chưa có sáp, di động rất nhanh tìm nơi sinh sống cố định (chùm quả, cuốn lá …) sau vài lần lột xác trên mình phủ lớp sáp bông trắng do rệp tiết ra từ các hạch, sáp tiết ra ngày càng nhiều phủ kín rệp và cả ổ rệp. Chính lớp sáp không thấm nước này bảo vệ rệp và cả ổ chống ngoại cảnh bất lợi. – Rệp sáp có loài kiến cộng sinh, tha rệp từ cây này sang cây khác. – Rệp sáp phát sinh phát triển mạnh trong mùa nắng và đầu mùa mưa. c. Biện pháp phòng trị: – Làm cỏ vệ sinh chăm sóc tốt vườn tiêu. – Dùng thuốc Bini 58, Nibas, Nitox pha với nồng độ 0,3% phun ướt đều trên cây trồng khi rệp chớm xuất hiện.
2. Sâu hại gốc và rễ tiêu:
+ Là sâu non của một loài cánh cứng tên Melolontha sp, thuộc họ bọ hung Scarabeidea gây hại rất nghiêm trọng. + Đặc điểm – Con trưởng thành màu hạt dẻ, có cánh màng phát triển nên bay rất khoẻ, chỉ xuất hiện lúc chiều tối, không mưa gió, thường bay thành đàn đi ăn lá cây. Giao phối và đẻ trứng, ban ngày ẩn nấp nơi kín đáo ở bụi cây lùm cỏ. – Thời gian trưởng thành xuất hiện kéo dài, trứng được đẻ ở mặt đất xung quanh gốc cây. Sau khi trứng nở, sâu non chui xuống đất tìm những nơi rễ non để sinh sống. – Lớn dần qua mỗi lần lột xác, mức độ gây hại cũng tăng dần. Ngoài gây hại rễ lông hút, rễ nhánh chúng còn gặm cả lớp vỏ cây tiêu. – Sâu non có đặc điểm là nằm nghiêng và cong hình chữ C, màu trắng xám, 3 cặp chân, miệng phát triển màu nâu, trên mình có lông thưa, cứng. – Sâu non sống trong đất và phá hại nhiều tháng, ở độ sâu 10 – 20 cm. Ngoài rễ tiêu, chúng còn ăn cả rễ cỏ mọc xung quanh gốc, kể cả xác cây chưa phân huỷ thành mùn. Đây là loại côn trùng đa thực, cả sâu non và thành trùng đều rất phàm ăn và ăn nhiều loại cây khác nhau. – Làm nhộng ngay trong đất, chúng kết dính thành keo làm nhộng giả, không thấm nước và lột nhộng ở trong đó. Khi vũ hoá trưởng thành chui khỏi mặt đất tìm thức ăn và giao phối đẻ trứng. Thời gian phát triển của sâu non kéo dài 8 – 10 tháng. + Biện pháp phòng trừ: – Các vườn cây lâu năm cần vệ sinh sạch cỏ rác không để cho sâu trú ẩn. – Xới xáo quanh gốc cho thông thoáng, cỏ rác mau phân huỷ thành mùn. – Dùng thuốc hoá học khi thành trùng xuất hiện .
3. Tuyến trùng hại hồ tiêu:
Được xem là đối tượng gây hại nghiêm trọng + Tác nhân gây hại: Tuyến trùng loài Meloidogyne, ngoài ra còn một số loài khác. + Triệu chứng và đặc điểm: – Tuyến trùng sinh sống trong đất và gây hại rất nhiều loại cây kể cả cỏ dại. Tuyến trùng non (2 tuổi) trong đất bám vào lấy lông hút chui dần vào trong rễ tạo thành nốt sần và sinh trưởng phát triển bên trong, làm rễ bị huỷ và mất dần khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng. – Tiêu sinh trưởng phát triển chậm, dây và lá tiêu vàng, rụng, tàn lụi xơ xác, chết dần, năng suất giảm rõ rệt. – Tuyến trùng cái, bụng mang nhiều trứng, khi rễ bị hủy, các nốt sần vỡ các bọc trứng lẫn vào đất, con chui ra tìm rễ mới chui vào gây hại tiếp. Nếu không có biện pháp phòng chống tốt thì lượng tuyến trùng sẽ tích luỹ ngày càng nhiều và mức độ lây nhiễm ngày càng nhanh và càng rộng. + Biện pháp phòng trừ: – Chọn giống có khả năng chịu được sự tấn công hoặc nhiễm nhẹ. – Khi chớm xuất hiện cần tăng cường bón thúc phân hữu cơ hoai mục, lân để rễ ra nhanh và nhiều. – Trồng cây cúc vạn thọ quanh gốc tiêu, cũng có thể băm cắt nhỏ cúc vạn thọ vùi vào đất gốc tiêu cũng có khả năng hạn chế được tuyến trùng. – Diệt cỏ, về sinh vườn tiêu thông thoáng, thoát nước tốt. – Dùng thuốc hoá học rắc vào gốc tiêu.
PHÒNG KỸ THUẬT – CÔNG TY CỔ PHẦN NICOTEX
|