Người biết kiểm soát cảm xúc cá nhân tốt là người có bản lĩnh, có tri thức và có năng lực. Nhờ vậy, họ hầu như đạt được mục tiêu của mình trong công việc, cuộc sống.
Kiểm soát cảm xúc cá nhân là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả công việc, chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân cũng như tập thể. Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, khả năng này giúp chúng ta duy trì sự bình tĩnh, sáng suốt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để đóng góp vào sự phát triển chung.
Tại sao cần kiểm soát cảm xúc cá nhân trong cuộc sống?
Cảm xúc cá nhân, nhìn từ mọi khía cạnh đều thể hiện tính độc lập, cá thể. Tuy nhiên, cảm xúc đó lại có ảnh hưởng lớn tới xung quanh khi cá nhân đó nằm trong một môi trường cụ thể. Môi trường đó, có thể có các chủ thể là con người, có thể chỉ là một môi sinh, nhưng tác động từ cảm xúc cá nhân là rất rõ rệt dù tích cực hay tiêu cực. Vì thế, biết kiểm soát cảm xúc cá nhân là rất quan trọng.
Biết kiểm soát cảm xúc cá nhân trong cuộc sống hàng ngày giúp mỗi người duy trì sự cân bằng, hòa hợp trong các mối quan hệ. Chẳng hạn, mỗi buổi sáng khi bạn bước vào văn phòng, việc bạn chào đồng nghiệp bằng một nụ cười tươi, tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn và mọi người có không khí làm việc đầy hứng khởi.
Ngược lại, nếu bạn để những cảm xúc cá nhân như bực bội do giao thông tắc nghẽn hay mâu thuẫn trong gia đình ảnh hưởng đến tâm trạng, điều này sẽ tạo nên sự căng thẳng và bất hòa trong môi trường làm việc, làm giảm hiệu suất chung của cả nhóm.
Ví dụ, hãy tưởng tượng một tình huống rất thực tế: Do áp lực hoàn thành kế hoạch tháng, nhân viên A trong đội ngũ kinh doanh gặp khách hàng nhưng lại để cảm xúc cá nhân tiêu cực như lo lắng, thất vọng vì mục tiêu tháng trước chưa đạt ảnh hưởng đến buổi gặp mặt. Điều này khiến A không đủ sự tự tin, thiếu quyết đoán trong thương lượng và cuối cùng là không thể thuyết phục khách hàng nhập đơn hàng mới, ảnh hưởng tới doanh thu chung.
Ngược lại, nhân viên B cũng là người phụ trách kinh doanh, mặc dù đang gặp khó khăn do thị trường cạnh tranh gay gắt, nhưng B luôn giữ thái độ tích cực, lạc quan và bình tĩnh. B tự nhủ bản thân rằng “mọi thử thách đều là cơ hội để mình trưởng thành hơn”. Chính nhờ khả năng kiểm soát cảm xúc đó, nhân viên B đã vượt qua áp lực, tìm tòi các giải pháp mới, cải tiến cách tiếp cận khách hàng và cuối cùng đem lại những hợp đồng giá trị lớn cho công ty.
Bản lĩnh “biến nguy thành cơ”.
Việc kiểm soát cảm xúc còn thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín của bản thân mỗi nhân viên trong mắt khách hàng và đối tác. Đối với doanh nghiệp, mỗi nhân viên đều là đại diện cho hình ảnh thương hiệu. Một nhân viên dễ dàng mất bình tĩnh hoặc không làm chủ được cảm xúc của mình khi gặp sự cố hoặc những phản hồi tiêu cực từ khách hàng sẽ dễ dàng làm tổn hại đến hình ảnh công ty.
Nếu trong quá trình tư vấn sản phẩm, khách hàng đưa ra những phản hồi tiêu cực hoặc khiếu nại, nhân viên chăm sóc khách hàng biết kiểm soát cảm xúc tốt, lắng nghe một cách bình tĩnh, lịch sự, đưa ra những giải pháp kịp thời và hợp lý sẽ giúp khách hàng cảm thấy được tôn trọng, từ đó nâng cao sự hài lòng và lòng trung thành với doanh nghiệp. Điều này không chỉ giải quyết tốt tình huống mà thực sự “biến nguy thành cơ”, giúp công ty củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Trong nội bộ Nicotex, kiểm soát cảm xúc cá nhân tốt cũng giúp cải thiện tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các bộ phận. Là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ và 18 công ty con, để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả rất cần sự phối hợp của nhiều bộ phận vì sản phẩm và kinh doanh là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ngành nghề hoạt động của Nicotex lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết khách quan. Vì vậy, việc phải rất nhanh có được sản phẩm để kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường là khá thường xuyên. Lúc này, việc kiểm soát cảm xúc cá nhân của từng người trong từng bộ phận để có thể làm việc ăn ý là rất quan trọng.
Bộ phận Kế hoạch sản xuất của phòng Kế hoạch kinh doanh công ty mẹ thường xuyên liên hệ với các công ty sản xuất về tiến độ sản xuất để kịp đẩy sản phẩm ra thị trường. Quá trình trao đổi giữa hai bên có thể có những vướng mắc do áp lực công việc. Dựa trên quy trình sản xuất, các cá nhân trực tiếp xử lý công việc thường biết cách kiểm soát cảm xúc cá nhân, giữ được thái độ điềm tĩnh, thảo luận dựa trên tinh thần hợp tác thay vì chỉ trích nhau, từ đó họ có thể cùng đưa ra các giải pháp hài hòa nhất, để hoàn thành đúng kế hoạch chung, vừa giữ được tình cảm tốt đẹp giữa hai bộ phận.
Như vậy, việc kiểm soát cảm xúc cá nhân tốt, không chỉ dừng lại ở việc giữ cho bản thân mỗi người luôn bình tĩnh trước khó khăn, thử thách mà còn giúp xây dựng một môi trường làm việc tích cực, chuyên nghiệp và hiệu quả. Để làm được điều này, mỗi nhân viên Nicotex cần thường xuyên thực hành những kỹ năng kiểm soát cảm xúc như: dành thời gian suy nghĩ kỹ trước khi phản ứng; tự đặt mình vào hoàn cảnh người khác; luyện tập các kỹ thuật thở, thư giãn, hay suy nghĩ tích cực mỗi khi gặp phải tình huống căng thẳng.
Ban lãnh đạo công ty Nicotex mong muốn xây dựng một đội ngũ nhân sự không chỉ giỏi chuyên môn mà còn mạnh về trí tuệ, cảm xúc. Chỉ khi mỗi cá nhân biết cách kiểm soát cảm xúc, họ mới có thể phát huy tối đa năng lực của bản thân, từ đó góp phần tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, phát triển bền vững và mang lại những thành quả tốt nhất cho Nicotex.