Việc Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là dấu mốc quan trọng với ngành bảo vệ thực vật nói riêng và nền nông nghiệp nước ta nói chung.
Bởi đây là một trong những tiền đề quan trọng giúp công tác quản lí thuốc bảo vệ thực vật được bài bản, quy củ, chặt chẽ, từ đó giúp chất lượng nông sản Việt Nam ngày một an toàn hơn để tiếp cận những thị trường xuất khẩu mang lại giá trị cao.
Mặt hàng không khuyến khích
Đầu tiên phải khẳng định lại rằng, thuốc bảo vệ thực vật là mặt hàng không khuyến khích kinh doanh, bởi nói gì thì nói đa phần thuốc bảo vệ thực vật là chất độc có nguy cơ ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp tới sức khỏe.
Tuy nhiên, do đòi hỏi về năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho con người nên chúng ta buộc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế tác động, ảnh hưởng của sâu, bệnh hại tới cây trồng.
Từ vấn đề này, các cơ quan quản lí Nhà nước bắt buộc phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lí, kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn, ngăn ngừa kịp thời những mặt trái của thuốc bảo vệ thực vật tới sức khỏe con người, đặc biệt là uy tín sản phẩm nông sản Việt Nam, khi mà xuất khẩu rau quả hiện mỗi năm đóng góp nhiều tỉ USD cho kinh tế nước nhà.
Do đó, việc Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật số 41/2013/QH13 về Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 4/12/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật là điều tất yếu mang tính sống còn cho sự phát triển bền vững của ngành trồng trọt Việt Nam hiện tại cũng như tương lai.
Về mặt chủ trương mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp là vậy, nhưng việc quản lí, kiểm soát mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật không hề đơn giản chút nào bởi đây là một loại hàng hóa chịu rất nhiều các quy định về thương mại, tư do trong khu vực và quốc tế, nếu không rà soát kỹ lưỡng dễ dẫn đến việc chồng chéo với các quy định khác, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Hợp lý, hợp tình
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung chia sẻ, để giải quyết hài hòa những tồn tại bấy lâu nay trong ngành bảo vệ thực vật, Cục bảo vệ thực vật trong quá trình xây dựng Nghị định, thông tư hướng dẫn luôn bám sát, tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, các công ước quốc tế Viêt Nam cam kết tham gia nhằm thực thi tốt nhất vai trò quản lí nhà nước được giao phó, đồng thời tránh gây phiên hà, tốn kém cho doanh nghiệp.
Theo đó, Cục bảo vệ thực vật tiến hành một loạt những giải pháp đổi mới trong công tác quản lí thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Đầu tiên, Cục bảo vệ thực vật áp dụng quy định về thời hạn và thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại khoản 3 Điều 51 và khoản 4 Điều 52 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật với thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được gia hạn có giá trị trong vòng 5 năm.
Thời hạn vừa đủ để không quá gây tốn kém cho doanh nghiệp, song lại có tác dụng răn đe doanh nghiệp tự giác trong việc chấp hành.
Đặc biệt, Cục bảo vệ thực vật cương quyết loại bỏ các thuốc có độ độc cấp tính của hoạt chất hoặc thành phẩm thuộc nhóm III, IV theo GHS; nhóm clo hữu cơ; có thời gian cách ly ở Việt Nam trên 7 ngày đăng ký cho cây ăn quả, cây chè, cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất độc cấp tính nhóm I, II; Thuốc bảo vệ thực vật hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng) theo đúng lộ trình đến trước ngày 01/8/2017. Việc loại bỏ này hoàn toàn phù hợp với các quy định của quốc tế.
Nhiều điểm mới
Một giải pháp kỹ thuật khác, Cục bảo vệ thực vật tổ chức rà soát tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, xác định rõ các thuốc bảo vệ thực vật đăng ký trong Danh mục nhưng không lưu hành, hiệu lực thấp báo cáo Bộ trưởng đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp.
Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể về số lượng tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật đối với từng loại sinh vật hại, tránh tình trạng có rất nhiều loại thuốc sử dụng cho 1 sinh vật hại nhưng có loại sinh vật hại lại không có thuốc để phòng trừ, đặc biệt là các sinh vật hại mới nổi.
Cục cũng quy định cụ thể về việc hỗn hợp hoạt chất cho từng loại thuốc bảo vệ thực vật. Quy định rõ ràng về việc đánh giá hiệu lực sinh học của thuốc bảo vệ thực vật được khảo nghiệm. Tập hợp thông tin của các nước và các tổ chức quốc tế để đưa ra bằng chứng khoa học về thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường.
Bổ sung đầy đủ các hoạt chất chưa có hàm lượng tối thiểu theo quy định của FAO để ngăn chăn việc các đơn vị lợi dụng nk các thuốc kém chất lượng không đảm bảo trong quá trình lưu thông trên thị trường. Bổ sung các quy định cụ thể vào Quy trình loại thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT.
Cục bảo vệ thực vật cũng tiến hành thu thập, tổng hợp các thông tin, thành lập Hội đồng khoa học để xem xét, tư vấn đối với các thuốc bảo vệ thực vật có bằng chứng khoa học gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường; thuốc bảo vệ thực vật hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại để trình Bộ NN-PTNT loại bỏ khỏi Danh mục theo quy định.
Bổ sung các quy định chi tiết vào quy trình thẩm định hồ sơ đối với khâu cấp giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật. Sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn kỹ thuật về khảo nghiệm hiệu lực sinh học, thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật. Thành lập hội đồng đánh giá hồ sơ xin cấp giấy phép khảo nghiệm và quy chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, dân chủ, hạn chế lợi ích nhóm khi cấp phép.
Một mặt lập những hàng rào kỹ thuật đúng quy định hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật có độ độc cao, Cục bảo vệ thực vật lại khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ thực vật để lựa chọn, tạo giống, nhập nội các giống cây trồng có năng suất cao và chống chịu sâu, bệnh; ứng dụng các dây chuyền công nghệ tiên tiến sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Các biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng thân thiện với môi trường.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam