Để làm tốt công tác tài chính, công ty đã xây dựng các quy chế về quản lý tài chính như quy chế quản lý tiền hàng, quy chế phân biệt dòng tiền…Ngoài ra hàng năm công ty còn tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý về kỹ năng lãnh đạo điều hành và tập huấn cho cán bộ tài chính về nghiệp vụ chuyên môn cũng như các chính sách mới về nghiệp vụ kế toán và thuế.
Thực hiện chủ trương của HĐQT – BTGĐ công ty về việc Tái cấu trúc các chi nhánh, xí nghiệp thành các công ty hoạt động độc lập, năm 2009 hàng loạt các công ty con ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với công ty cổ phần Nicotex và các công ty thành viên, vì từ đây các công ty đã chính thức hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, có quyền tự quyết trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây vừa là cơ hội cho những giám đốc năng động, dám nghĩ, dám làm có thể khẳng định mình và vươn xa hơn, nhưng cũng là khó khăn cho những giám đốc trẻ vì họ phải tự đứng lên bằng đôi chân của chính mình.
Sau khi tái cấu trúc một loạt những vấn đề mà các công ty thành viên cần phải giải quyết đó là thống nhất tư tưởng, củng cố tổ chức, kiện toàn nhân sự, trong đó con người là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của mỗi công ty. Đội ngũ nhân sự nếu không được giáo dục thường xuyên sẽ dẫn đến suy đồi về đạo đức, bất chấp pháp luật và quy định của công ty, lợi dụng chức vụ tham ô chiếm đoạt tài sản của công ty gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế. Bài học đau lòng do sự quản lý lỏng lẻo về tài chính của Ban giám đốc công ty Nicotex Tiền Giang là lời cảnh tỉnh cho các công ty thành viên trong hệ thống Nicotex.
Công ty Cổ phần Nicotex Tiền Giang ra mắt tháng 2/2009 trên cơ sở tái cấu trúc từ chi nhánh An Hữu. Mặc dù về tư cách pháp nhân, công ty có sự thay đổi lớn nhưng về tổ chức và biên chế nhân sự vẫn giữ nguyên, bộ máy lãnh đạo công ty đặc biệt là giám đốc công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản lý. Khi công ty Tiền Giang mới ổn định tổ chức sau khi tái cấu trúc, công ty đã tiến hành thuê đất tại Khu Công nghiệp Long An để xây dựng văn phòng công ty tại Long An. Thời gian đó Giám đốc công ty bận mải nhiều việc nên đã lơi lỏng công tác quản lý tài chính và cũng một phần do quá tin tưởng vào nhân viên cấp dưới nên để Đoàn Thanh Cơ – Nguyên kế toán trưởng công ty, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của công ty, số tiền chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng.
Hình thức mà Đoàn Thanh Cơ chiếm dụng tiền của công ty đó là, thời gian tháng 8, 9/2010 thủ quỹ công ty nghỉ phép giao lại quỹ cho đồng chí Hưng thủ kho kiêm nhiệm, tiền bán hàng thu về, số lượng nhiều chưa kịp chuyển vào ngân hàng nên Giám đốc công ty giao cho Đoàn Thanh Cơ quản lý. Lợi dụng được giao giữ một số tiền lớn, Cơ đã chiếm dụng dùng vào mục đích cá nhân. Thứ hai là trong thời gian tháng 10/2010 Giám đốc công ty đi tổng kết tại Hà Nội, đã ký một số ủy nhiệm chi giao cho Cơ quản lý để chuyển tiền trả công ty mẹ, lợi dụng ủy nhiệm chi đó Cơ đã dùng để chuyển tiền của công ty vào tài khoản cá nhân mình. Tổng số tiền mà Cơ lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm dụng của công ty Tiền Giang là: 2.188.859.200 đồng. Số tiền mà Cơ chiếm dụng của công ty Tiền Giang đều đem đi đánh bạc và thua bạc tại Camphuchia.
Sau khi sự việc được phát hiện Ban giám đốc công ty Tiền Giang đã yêu cầu Đoàn Thanh Cơ làm bản tường trình và cam kết trả tiền cho công ty, Cơ đã trả cho công ty Tiền Giang số tiền là: 891.544.393 đồng, số tiền còn lại Cơ đã không còn khả năng thanh toán. Qua sự việc trên, Giám đốc công ty Tiền Giang cũng đã làm bản tường trình nhận trách nhiệm về mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật từ HĐQT công ty.
Từ thời điểm Đoàn Thanh Cơ chiếm dụng vốn của công ty Tiền Giang đến nay đã hơn một năm, đã nhiều lần công ty Tiền Giang yêu cầu Đoàn Thanh Cơ trả tiền chiếm dụng cho công ty, nhưng Cơ vẫn khất lần và không có khả năng để trả lại số tiền cho công ty Tiền Giang. Chính vì thế mà vừa qua HĐQT công ty đã họp và ban hành nghị quyết số 1227/NQ ngày 12/7/2012 về việc xử lý nợ xấu của Đoàn Thanh Cơ như sau:
Về xử lý đối với Đoàn Thanh Cơ: Kỷ luật cảnh cáo và sa thải Đoàn Thanh Cơ. Thông báo cho gia đình, chính quyền địa phương và nơi thường trú của Đoàn Thanh Cơ. Yêu cầu Đoàn Thanh Cơ phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm dụng. Làm thông báo gửi về chính quyền địa phương quê hương Đoàn Thanh Cơ. Làm thông báo gửi đến những địa điểm, những cơ quan tổ chức mà Đoàn Thanh Cơ đang và sẽ tham gia làm việc.
Đối với ban lãnh đạo công ty Tiền Giang: Kỷ luật ban giám đốc công ty Tiền Giang: Cảnh cáo giám đốc công ty Tiền Giang về buông lỏng quản lý kinh tế. Khiển trách đối với phó giám đốc công ty Tiền Giang. Phạt kinh tế giám đốc công ty Tiền Giang theo qui định của công ty bằng 10% giá trị thất thoát: Phương án xử lý là nộp ngay 50% số tiền vào tài khoản của công ty Tiền Giang, 50% sẽ trừ vào giá trị cổ tức trong 2 năm 2012, 2013. Phạt kinh tế đối với các cán bộ quản lý của công ty Tiền Giang 5% giá trị thất thoát ( bao gồm các đồng chí nguyên phó giám đốc, nguyên giám đốc chi nhánh An Hữu, nguyên trưởng phòng kinh doanh, nguyên phó phòng kế hoạch thị trường, nguyên tổ trưởng tôt kinh doanh Long An). Thu tiền bằng cổ tức năm 2012: 50 % giá trị tiền và thu từ tiền lương trong 3 tháng: Tháng 8, 9, 10/ 2012.
Công ty mẹ đã thành lập tổ kiểm tra đôn đốc thu hồi công nợ của Đoàn Thanh Cơ với các đại diện là ông Vũ Công Thiện – Trưởng phòng pháp chế công ty Nicotex – Tổ trưởng, Ông Đỗ văn Hóa – Giám đốc công ty Tiền Giang – Tổ phó; ông Nguyễn Đăng Quí – Kế toán trưởng công ty Tiền giang – Tổ viên, ông Vũ Quốc Huy – Phó Phòng TCHC công ty Tiền Giang – Tổ viên
Công ty Tiền Giang phải thu hồi và bảo toàn vốn cho các cổ đông bằng việc trích quĩ để thu hồi thất thoát mà số tiền thu hồi là 1.100.000.000 đồng. Chỉ thu từ quĩ phúc lợi mỗi năm là 50 triệu. Thu từ chi phí hoạt động kinh doanh khoảng 150 triệu. Để mỗi năm có thể thu được 200 triệu.
Qua vụ việc này thể hiện sự quản lý lỏng lẻo của công ty Tiền Giang và giám đốc Đỗ Văn Hóa về công tác quản lý kinh tế và công tác tài chính, cũng như công tác nhân sự. Thể hiện tinh thần trách nhiệm đấu tranh phê bình của cán bộ công ty Tiền Giang còn yếu kém. Yếu kém trong việc phát hiện vấn đề, không thẳng thắn đề xuất, đấu tranh. Yếu kém trong việc chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Công tác kiểm tra, giám sát tài chính của công ty mẹ cũng yếu kém và còn buông lỏng. Sự tham gia sâu sát của các thành viên HĐQT chưa cao, chưa đề xuất được các giải pháp xử lý hữu hiệu, không có sáng kiến đóng góp nghiêm túc. Ban giám đốc công ty Tiền Giang chưa nhận thức đúng đắn được sự việc xảy ra nghiêm trọng và việc giải quyết vấn đề chưa triệt để nghiêm túc, chưa dám chịu trách nhiệm về mình mà còn đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau. Đây là bài học đắt giá cho công ty Tiền Giang trong việc quản lý kinh tế và tài chính, trong việc quản lý về nhân sự con người, trong việc nhận xét và đánh giá con người và cũng là bài học kinh nghiệm cho các công ty trong toàn hệ thống Nicotex.
Sự việc trên cũng thể hiện việc giáo dục đạo đức cho cán bộ còn yếu kém, một cán bộ công tác tại công ty đã nhiều năm như Đoàn Thanh Cơ, được thường xuyên trau dồi văn hóa của công ty và những quy chế, quy định của công ty vậy mà vẫn lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt một số tiền lớn của công ty đi đánh bạc, thể hiện sự suy đồi xuống cấp về đạo đức, lối sống, đi ngược với văn hóa truyền thống của công ty Nicotex. Những con người như Đoàn Thanh Cơ cần loại khỏi công ty để không làm ảnh hưởng đến những người lao động khác và ảnh hưởng đến văn hóa đạo đức của công ty Nicotex.
Bài học trong công tác quản lý tài chính và quản lý nhân sự của công ty Tiền Giang là tiếng chuông cảnh tỉnh cho toàn hệ thống Nicotex trong việc giáo dục đạo đức lối sống của cán bộ, công nhân viên, bài học về kỹ năng lãnh đạo điều hành của ban giám đốc các công ty thành viên, qua đây các công ty thành viên cũng như Công ty Tiền Giang cần rút ra bài học sâu sắc cho mình để sự việc như Đoàn Thanh Cơ không còn xuất hiện tại bất cứ công ty thành viên nào.