Trong bối cảnh các doanh nghiệp nói chung và trong ngành thuốc BVTV nói riêng đều gặp khó khăn thì việc tìm ra những giải pháp để khắc phục cũng như tăng doanh số bán hàng là một việc làm hết sức cần thiết. Nhận thức được vấn đề đó, Công ty Cổ phần Nicotex tiến hành chiến lược cải cách bao bì nhãn mác. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với đồng chí Lê Thanh Quang – Phó phòng Kỹ thuật công ty về vấn đề này.
PV: Đồng chí có thể cho độc giả Bản tin Nicotex biết tại sao chúng ta lại cần phải cải cách bao bì nhãn mác?
Đồng chí Lê Thanh Quang (LTQ): Đối với mỗi doanh nghiệp, việc đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới là một việc làm chứng tỏ được sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể đưa ra được sản phẩm mới. Chính vì lẽ đó, để tạo điểm nhấn thu hút người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh thì các doanh nghiệp thường phải luôn thay thế bao bì nhãn mác cho sản phẩm. Đây là lý do chính để chúng ta thực hiện cải cách bao bì nhãn mác cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Nicotex đã hoàn thành công tác tái cấu trúc tại các công ty thành viên và đi vào hoạt động độc lập, các công ty thành viên đang nỗ lực bứt phá tăng trưởng doanh thu, tăng thị phần bằng việc tập trung vào thực hiện chiến lược tối đa hoá doanh thu, chiến lược mở rộng đại lý sát người tiêu dùng, do đó, khả năng xâm lấn thị trường giữa các đại lý, giữa các công ty thành viên trong hệ thống là rất cao, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả. Để giúp cho việc thực hiện tốt chiến lược tối đa hoá doanh thu, giảm sự cạnh tranh về giá giữa các vùng thị trường và có đủ sản phẩm đáp ứng việc thực hiện chiến lược xây dựng đại lý sát người tiêu dùng thì công ty Nicotex cần phải nhanh chóng cải các bao bì nhãn mác theo nguyên tắc mỗi vùng sinh thái một bộ sản phẩm và bộ quy cách để tăng sự khác biệt.
Một bao bì bắt mắt sẽ tạo cho doanh nghiệp một ưu thế canh tranh cao về giá trị thương hiệu, sản phẩm tác động trực tiếp đến khách hàng thông qua nhãn mác bao bì, chứ không phải chất lượng sản phẩm. Chính vì yếu tố quan trọng đó mà các doanh nghiệp luôn luôn đặt vấn đề nhãn mác, bao bì sản phẩm lên hàng đầu để tạo giá trị thương hiệu. Người tiêu dùng quan tâm nhiều đến những sản phẩm có bao bì đẹp, sang trọng, mẫu mã độc đáo. Khi sản phẩm của doanh nghiệp được đặt cạnh những sản phẩm cùng loại khác trên gian hàng trưng bày, cần phải làm cho chúng trở nên nỗi bật.
PV: Khi thực hiện chiến lược này, Công ty Cổ phần Nicotex có những thuận lợi và khó khăn gì thưa đồng chí?
LTQ: Thực hiện chiến lược này chúng ta có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Mặt thuận lợi đó là: Bộ sản phẩm của công ty Nicotex hiện nay có trên 70 sản phẩm và tiếp tục được bổ sung them trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách bao bì nhãn mác để cung cấp cho mỗi vùng sinh thái một bộ sản phẩm và một bộ quy cách để tăng sự khác biệt. Các công ty thành viên trong hệ thống thì đã hoàn thành công tác tái cấu trúc và đi vào hoạt động độc lập và đã hình thành phòng Kế hoạch thị trường và có bộ phận chuẩn bị hậu cần kỹ thuật sản phẩm, do đó đã có nhân sự phụ trách thực hiện chiến lược và bộ phận này đã có những thay đổi tích cực trong các hoạt động chuyên môn của mình
Khó khăn của chiến lược là việc đầu tư sẽ cần nhiều về thời gian, nhân sự và kinh phí từ cả công ty mẹ lẫn công ty thành viên. Việc quản lý vật tư phụ liệu của công ty sẽ khó khăn do nhiều chủng loại sản phẩm, hàng tồn kho phụ liệu tăng, chi phí phụ liệu sẽ cao hơn do sản lượng hàng không tập trung. Bên cạnh đó, nhiều công ty thành viên chưa phân công rõ nhiệm vụ cho nhân sự phụ trách khâu hậu cần kỹ thuật cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược.
PV: Vậy theo đồng chí thì các giải pháp của chiến lược là gì?
LTQ: Có rất nhiều giải pháp được công ty đưa ra bàn bạc và đã đi đến thống nhất các giải pháp sau đây. Đầu tiên là giải pháp chuyển đổi cơ bản bao bì từ đóng gói bằng chai lọ sang đóng gói bằng túi thiếc, túi phức hợp.
Lợi ích của chiến lược này là: Tăng khả năng vận chuyển sản phẩm: Nếu đóng chai lọ thì không có lợi bằng đóng túi do khi đóng chai lọ thì chi phí vận chuyển là rất lớn do có nhiều không gian thừa, cồng kềnh; Nếu đóng bằng túi thì việc vận chuyển rất dễ dàng từ vùng này sang vùng khác, tiết kiệm chi phí vận chuyển, rất phù hợp với chương trình xây dựng đại lý sát người tiêu dùng hiện nay của công ty; Việc điều tiết về sản xuất giữa các công ty khối sản xuất cũng thuận lợi hơn, nâng cao nặng lực cung ứng hàng hóa cho các đơn vị thành viên khối kinh doanh kịp thời, khi dịch bệnh bùng phát đảm bảo cung ứng hàng hóa đủ. Ngoài ra, chiến lược cũng tăng khả năng cung cấp bao bì chất lượng cao cho các công ty sản xuất, giúp các công ty khối sản xuất chủ động trong việc chuẩn bị phụ liệu có chất lượng tốt, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường với chất lượng cao, sản xuất và cung ứng kịp vụ cho các công ty thành viên; Hiện nay vấn đề bao bì đối với các công ty khối sản xuất đóng quân tại phía Bắc gặp khó khăn hơn nhiều so với phía Nam do các tỉnh phía nam với nhu cầu thuốc BVTV lớn nên các công ty bao bì đầu tư máy móc thiết bị bài bản, do đó chất lượng sản phẩm bao bì rất tốt; Ngược lại, phía Bắc các nhà cung cấp bao bì vừa thiếu, vừa yếu về năng lực sản xuất, vừa kém về chất lượng sản phẩm và giá thành lại cao. Do vậy, nếu các công ty sản xuất phía Bắc vận chuyển bao bì từ phía nam ra mà ở dạng chai lọ thì chi phí vận chuyển rất lớn, nếu vận chuyển bao bì dạng túi thì chi phí tiết kiệm được là tương đối lớn.
Việc thực hiện chiến lược cũng làm tăng khả năng tiện dụng cho người sử dụng. Người nông dân có thể dùng 01 gói/ 1 bình rất tiện lợi, không phải chia thuốc. Việc thu gom và tiêu hủy bao bì của người nông dân sau khi sử dụng sản phẩm cũng thuận thiện hơn, đảm bảo an toàn môi trường.
Bên cạnh đó, giải pháp này cũng làm tăng khả năng phối trộn thuốc ngay tại đồng ruộng để nâng cao chất lượng và sức đề kháng cho cây trồng: Vì nếu đóng thuốc dạng gói thì ng nông dân có thể dễ dáng phối trộn nhiều loại thuốc với nhau để tiết kiệm chi phí nhân công, tăng hiệu quả sử dụng thuốc và an toàn với cây trồng. Như vậy, người nông dân không phải sử dụng các sản phẩm hỗn hợp hoạt chất tiềm ẩn sự không ổn định về chất lượng. Chiến lược này cũng giúp tăng khả năng công nghiệp hóa quá trình đóng gói của các công ty sản xuất, tức là tăng khả năng chuyên nghiệp hóa, tiêu chuẩn hóa của sản phẩm.
Chúng tôi cũng đã thống nhất đi đến giải pháp về chuyển đổi bao bì các chai, các túi thuốc với dung tích phù hợp các vùng sinh thái. Vì chuyển đổi bao bì các chai, túi phù hợp với chiến lược cánh đồng mẫu lớn đang được bộ NN và PTNT triển khai thực hiện bằng việc chuẩn bị đóng gói sản phẩm trong các can lớn hoặc túi lớn, phù hợp với nông dân các khu vực có diện tích lớn như Miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Hơn nữa chuyển đổi bao bì các chai, các túi thuốc theo dạng nhỏ hóa sản phẩm để tương đương với diện tích canh tác nhỏ lẻ của một số cây trồng đảm bảo tăng khả năng tiện dụng cho người nông dân các tỉnh khu vực phía Bắc và Miền Trung.
PV: Thiết kế nhãn mác theo đồng chí có là một giải pháp hay không?
LTQ: Đây chính là một trong những giải pháp mà công ty đã đưa vào thực hiện chiến lược. Chúng ta cần phải tạo ra sự khác biệt về nhãn mác sản phẩm thông qua việc đầu tư thiết kế bao bì nhãn mác tạo ấn tượng với người tiêu dùng. Sự khác biệt ấy được thể hiện ở việc tạo ra sự khác biệt về biểu tượng, biểu trưng: Nghiên cứu tạo những biểu tượng, biểu trưng nhằm tạo các điểm nhấn, nhận diện sản phẩm của công ty từ thùng, hộp, chai, lọ, túi.
PV: Thế còn vấn đề về đa dạng hóa chúng loại sản phẩm thông qua nghiên cứu đóng cặp các sản phẩm để cải thiện hiệu lực phòng trừ dịch hại và nâng cao độ an toàn của thuốc đối với cây trồng thì sao thưa đồng chí?
LTQ: Vâng, đó cũng là một trong các giải pháp của công ty bởi vì các thuốc BVTV dạng đơn chất thường có thế mạnh trong việc phòng trừ một nhóm dịch hại nhất định, để diệt được nhiều loại dịch hại trên ruộng thì nông dân thường phải mua nhiều loại sản phẩm để phối trộn với nhau. Để tăng tính tiện lợi khi sử dụng cho người nông dân thì trên thị trường đã xuất hiện nhiều hỗn hợp thuốc BVTV gồm 02 hoạt chất, 03 hoạt chất để giúp người nông dân không phải hỗn hợp thuốc khi sử dụng. Đây cũng là một giải pháp tốt, tuy nhiên sẽ mất nhiều thời gian ( từ 1 -2 năm), tốn nhiều kinh phí và đi kèm là sự thiếu ổn định về chất lượng của các hỗn hợp hoạt chất.Chính vì vậy giải pháp ngắn hạn thay thế cho vấn đề này là đóng cặp 02 hoạt chất trong 02 bao bì riêng để nâng cao hiệu lực phòng trừ và tăng độ an toàn của thuốc đối với câu trồng. Ưu điểm của phương pháp này là vừa cải thiện hiệu lực phòng trừ dịch hại của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu mức độ rủi ro về chất lượng như khi dùng các sản phẩm hỗn hợp hoạt chất.
PV: Mục tiêu của kế hoạch này là gì?
LTQ: Như trên tôi đã nói, thực hiện chiến lược này công ty chúng ta nhằm tạo cho mỗi công ty thành viên có một bộ sản phẩm với bao bì, nhãn mác đặc trưng hoặc có sự khác biệt đáp ứng được nhu cầu của vùng sinh thái, trong đó ưu tiên cho sản phẩm thuốc trừ cỏ. Mục tiêu đến hết năm 2013, các công ty thành viên vùng lúa đủ sản phẩm trong bộ danh mục bộ sản phẩm cho cây lúa và đến hết năm 2015 các công ty thành viên vùng cây trồng cạn, cây công nghiệp có đủ sản phẩm trong bộ danh mục sản phẩm cho cây trồng cạn và cây công nghiệp.
Xin cảm ơn đồng chí về cuộc phỏng vấn này!