Hôm nay ngày 16/06/2021 là ngày Quyết định Áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (quyết định số 1578/QĐ-BCT ký ngày 15/6/2021) chính thức có hiệu lực và được áp trong vòng 5 năm. Phân loại theo mã HS 1701.13.00; 1701.14.00; 1701.99.10; 1701.99.90; 1702.90.91 được nhập khẩu vào Việt Nam xuất xứ từ Vương Quốc Thái Lan (mã vụ việc AD13-AS01).
Trước đó trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời hôm 9/2.
Vụ việc được bắt đầu điều tra ngày 21/9/2020 sau khi cơ quan này thẩm định hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước. Kết quả điều tra cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 47,64% (Trong đó mức thuế CBPG là 42.99%, mức thuế CTC là 4.65%)
Kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra xác định rằng có tồn tại:
1. Hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra
2. Ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể
3. Có mối quan hệ giữa việc nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.
Rõ ràng, chúng ta thấy việc Bộ công thương áp dụng phòng vệ thương mại đúng đắn kịp thời đã tạo điều kiện phát triển cho ngành mía đường trong nước.
Khi giá đường trong nước tăng, giá thành thu mua nguyên liệu mía tăng, Bà con nông dân đảm bảo thu nhập và có lãi để tiếp tục đầu tư cho cây mía. Hiện nay với thị trường giá cả leo thang, đầu tư ban đầu cho ruộng mía cả về phân bón, thuốc BVTV và thuê nhân công khá cao. Nhiều chủ ruộng mía đầu tư mía không cho lãi, đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng keo. Dấu hiệu tăng giá chính là động lực để bà con làm mía tiếp tục gắn bó. Doanh nghiệp, nhà máy đường phát triển kéo theo tạo việc làm cho công nhân và bao tiêu được mía trong vùng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tình hình sản xuất, cung cầu, giá cả… để triển khai các biện pháp ổn định thị trường đường theo đúng quy định.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường và chính sách, cùng những nỗ lực vươn lên từ cả doanh nghiệp và nông dân, ngành mía đường Việt nam được kỳ vọng sẽ từng bước khôi phục sản xuất nội địa trong năm 2021 và mở ra triển vọng tăng cao vị thế cạnh tranh trên bản đồ mía đường quốc tế.