Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đã chính thức xác nhận, loài sâu keo mùa thu (tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperd) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam và đã gây hại tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sau khi Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra cảnh báo về nguy cơ xâm nhập và tàn phá của loài sâu keo mùa thu tại nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam), tháng 2/2019, Cục BVTV đã có công văn cảnh báo gửi Sở NN-PTNT các tỉnh. Trong đó, đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu gửi các đơn vị của Cục BVTV để giám định khi phát hiện đối tượng sâu hại có đặc điểm nghi ngờ là sâu keo mùa thu.
Như NNVN đã đưa tin, thời gian qua, một số địa phương đã phát hiện có sự hiện diện của loài sâu có hình thái giống sâu keo mùa thu trên ngô. Cục BVTV đã giám định qua hình thái sâu non và trưởng thành xác định là sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda). Cục BVTV đã gửi mẫu tới Trung tâm Nông nghiệp và Sinh học quốc tế tại Vương quốc Anh (CABI UK) thẩm định bằng phương pháp giám định gen theo Công ước quốc tế về BVTV ISPM số 06/2018 về điều tra phát hiện do FAO ban hành. Đồng thời, Cục BVTV cũng đã thu thập các mẫu sâu nghi ngờ là sâu keo mùa thu tại các địa phương gửi Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành phân tích giám định.
Theo đó, kết quả giám định mẫu côn trùng tại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam căn cứ vào đặc điểm hình thái 20 mẫu thu tại Hà Nội, trong đó 2 mẫu đem giải trình tự gen, kết luận cả 20 mẫu là loài sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda). Phiếu trả lời kết quả giám định mẫu côn trùng ngày của CABI UK về giải trình tự gen đối với 2 mẫu thu thập tại Nghệ An, 1 mẫu thu tại Thanh Hóa, 1 mẫu thu tại Hưng Yên cũng cho kết luận cả 4 mẫu là loài sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda). Như vậy, đã xác định được loài sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam.
Theo Cục BVTV, ngay sau khi FAO có cảnh báo về nguy cơ xâm nhập sâu keo mùa thu vào Việt Nam, thời gian qua, Cục BVTV đã tăng cường chỉ đạo điều tra, phát hiện sâu keo mùa thu tại các địa phương trên cả nước. Do thành phần sâu hại ngô ở Việt Nam có loài sâu cắn lá ngô (Mythimna loreyi) và loài sâu cắn gié (Mythimna separata) có hình thái và triệu chứng gây hại khá giống sâu keo mùa thu nên Cục BVTV yêu cầu báo cáo cả các trường hợp nghi ngờ là sâu keo mùa thu.
Theo đó, tính đến đầu tháng 4/2019, ghi nhận ở phía Bắc đã có nhiều tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Cao Bằng…; vùng Bắc Trung Bộ có các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh…; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có các tỉnh Quảng Ngãi, Đăk Nông phát hiện có sâu ăn lá ngô nghi ngờ là sâu keo mùa thu phân bố cục bộ ở một số nơi. Các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long chưa phát hiện thấy sâu cắn lá ngô.
Theo nongnghiep.vn