Đã nhiều lần, kể từ khi công ty Cambodia được thành lập, tôi đưa ý kiến viết về công ty nhưng đều bị từ chối. Những lý do được Ban giám đốc công ty đưa ra thì nhiều, nhưng tôi hiểu, cái lý do sâu xa nhất để mình không thể viết được một bài viết hoàn chỉnh chính là tôi chưa được “ nhìn tận mắt, bắt tận tay” những nhân vật, sự kiện sẽ được tôi nhắc đến trong bài viết.
Và chuyến đi tới công ty Cambodia lần này đã giúp tôi hoàn thành ý định đó, cho dù chuyến đi thực sự là một thử thách về tinh thần đối với tôi và các đồng nghiệp.
Những cánh đồng rộng mênh mông, nhưng khô hạn, bạc phếch, nghèo sức sống đón chân chúng tôi từ cửa khẩu Mộc Bài và trải dài tới tận thủ đô PhnomPhenh. Và điều tôi đặc biệt ấn tượng ở Cambodia là sự hào phóng của nắng và gió. Vẫn biết đất nước bạn cùng giống miền Nam Việt Nam, là vùng khí hậu nhiệt đới. Chúng tôi chưa bao giờ được thưởng thức cái nắng không gay gắt như miền Bắc, nhưng nó dường như phả vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống. Và gió, như thể chiêu đãi chúng tôi – những vị khách lần đầu tiên được diện kiên nên vô cùng rộng rãi, thổi miên man ( đặc biệt là khi về chiều) để thể hiện mình. Chính vì nắng và gió như thế nên người dân nơi đây ai cũng có nước da nâu sạm. Bên cạnh đó là lối sống có phần hoang dã của người dân nước bạn. Chúng tôi được gặp cuộc sống với nhà sàn ( nuôi nhốt gia súc, gia cầm bên dưới và con người sinh hoạt bên trên) ngay tại địa phương vùng ven thủ đô Phnompenh, điều mà bạn chỉ có thể gặp ở cuộc sống của những dân tộc thiểu số vùng cao tại Việt Nam.
Dân số của Cambodia hiện nay khoảng 15 triệu với diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp là 6 triệu ha. Đất đai của Cambodia trên thực tế là rất màu mỡ do được sông Mekong bồi đắp hàng năm. Tuy nhiên, mức độ màu mỡ của đất lại tỉ lệ nghịch với khả năng khai thác và sử dụng của chính quyền và người dân ( chính vì thế tôi mới nhìn thấy những cánh đồng bỏ hoang, bạc màu). Bên cạnh đó, Cambodia là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nông nghiệp phụ thuộc bởi nguồn nước tự nhiên nhiều. Là một quốc gia với địa hình bằng phẳng và có ít vùng núi hoặc lưu vực sông, Cambodia không có nhiều khu vực có thể sử dụng để lưu trữ nước tưới. Tài nguyên nước ngầm cũng hạn chế đáng kể. Hoạt động thủy lợi mùa khô bị giới hạn trong chỉ 7% diện tích canh tác. Do đó, người dân nơi đây mới chỉ sử dụng 2,8 triệu ha vào mục đích nông nghiệp và chỉ canh tác 1 mùa cấy/năm vào mùa mưa. Người dân ở đây cũng chưa biết sử dụng các vật tư nông nghiệp để tăng năng suất cây trồng lên. …..
Sau 5 giờ xe chạy và hơn 3 giờ có mặt trên đất nước bạn, chúng tôi xuống xe ở gần công ty và được nhân viên công ty Cambodia đón. Con ngõ nhỏ đi vào công ty, khác hẳn với đường quốc lộ chúng tôi vừa đi, vẫn là đường đất, chắc do trời mới mưa xong nên vẫn còn những vũng lầy đầy nước ( mà tôi nhớ đến ngày chúng tôi rời đi, vũng nước đó vẫn còn). Công ty Cambodia nằm trong con ngõ đó, một ngôi nhà giữa những lùm cây xanh mát, trong tiếng gió reo vi vút và sự thư thái đến thanh tịnh cả đất trời.
Không nghi ngờ gì khi tôi nói tới sự thư thái ở nơi này. Cảm giác nơi đây thật êm đềm, những tiếng trò chuyện rì rầm, chỉ tiếng gió reo là chủ đạo. Ngay cả tiếng cười của chúng tôi cũng không đủ mạnh để át đi tiếng gió. Gió như cuốn đi mọi mệt mỏi với chúng tôi. Là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng anh em trong công ty Cambodia đều có mặt tại công ty và đang chờ chúng tôi để ăn cơm trưa. Chúng tôi cảm thấy áy này thì các anh em gạt đi, ai cũng cảm thấy việc chờ đợi chúng tôi giống như một bữa cơm đoàn tụ của gia đình nên không hề thấy mệt mỏi.
Công ty Cambodia là công ty trẻ nhất của hệ thống Nicotex. Trẻ cả về tuổi thành lập công ty. Trẻ cả về tuổi của toàn bộ nhân viên. Cả công ty, chỉ có 2 người thuộc thế hệ 7X, còn lại, tất cả đều ở thế hệ cuối 8X và đầu 9X. Ở công ty này, có thêm một vị tướng lĩnh ( phó giám đốc) trẻ nhất toàn hệ thống – đó là đồng chí Vũ Hữu Tú – sinh năm 1988. Với bằng đó yếu tố, tôi tin rằng sức trẻ của công ty Cambodia sẽ chiến thắng bất cứ khó khăn nào.
Đi vào hoạt động chính thức mới được năm thứ 3. Nếu như năm đầu tiên khi mới đi vào hoạt động, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn thì đến năm thứ 2, với sự nghiêm túc trong nghiên cứu và quyết liệt trong triển khai thì công ty đã tăng trưởng hơn 1000%. Trong bối cảnh các công ty kinh doanh thuốc BVTV của Việt Nam kinh doanh gặp nhiều khó khăn và phải giải thể, quay về nước thì sự phát triển của Nicotex tại đây có thể coi là một điều đặc biệt. Đồng chí Hồ Viết Cường – Giám đốc công ty chia sẻ: “ Với thị trường Cambodia, nếu đã nghiên cứu đủ và thấy cần phải chiếm lĩnh thì phải làm ngay. Nếu chần chừ là coi như hỏng”.
Để có được thành công như thế, CBNV công ty Nicotex Cambodia đã gặp không biết bao nhiêu khó khăn. Trước khi thành lập công ty Cambodia, Công ty mẹ đã thành lập văn phòng đại diện tại đây để tiến hành nghiên cứu thị trường. Tuy có sự chuẩn bị trước đó, nhưng khi đi vào hoạt động với tư cách doanh nghiệp thì tất cả những khó khăn mới càng bộc lộ.
Rào cản ngôn ngữ, văn hoá là khó khăn đầu tiên. Chúng ta sẽ chẳng thể làm được gì nếu ngôn ngữ bất đồng. Sẽ càng khó khăn hơn trong giao tiếp ( chứ chưa nói đến kinh doanh) nếu văn hoá bản địa không hiểu. Chính vì vậy, việc học ngôn ngữ để có thể giao tiếp là việc làm cấp bách và được duy trì cho đến ngày nay.
Tiếp đến là khó khăn về các quy định của pháp luật và nghiên cứu thị trường. Muốn hiểu được hành lang pháp lý của nước bạn thì chúng ta ngoài nghiên cứu luật còn phải nghiên cứu cả những thói quen sử dụng luật và những nguyên tắc mà giới hành pháp của Cambodia thường sử dụng…. Bên cạnh đó, người dân Cambodia như đã nói ở trên, chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc BVTV cho cây trồng như ở Việt Nam, chính vì vậy cũng phải nghiên cứu các thói quen người tiêu dùng và các phương thức tiếp cận với hệ thống đại lý nước bạn…. Bên cạnh đó, nếu các công ty thành viên chỉ sử dụng 1 loại ngôn ngữ tiếng Việt cho các văn bản pháp quy thì Công ty Cambodia lại phải sử dụng 2 thứ tiếng ( tiếng Việt và tiếng Khơ me) cho bất cứ văn bản nào.
Nếu như điểm mấu chốt để mỗi doanh nghiệp làm nền tảng cho sự phát triển là nhân sự thì ở công ty Cambodia khi mới đi vào hoạt động lại là một khó khăn. Những nhân sự đưa từ Việt Nam sang thì không biết tiếng, không hiểu về văn hoá và thị trường nước bạn. Những nhân sự được đưa sang đào tạo tiếng từ trước đó thì lại hạn chế về số lượng và cũng không thể cáng đáng hết được các vị trí, các công việc của công ty.
Một khó khăn nữa mà Nicotex Cambodia gặp phải khi đi vào hoạt động, đó là trong công tác kế hoạch của công ty cần sự chính xác nếu không thì sẽ phức tạp. Hàng hoá đặt sản xuất bằng nào phải tiêu thụ hết bằng dó, không thể có sự trợ giúp từ các công ty thành viên trong hệ thống khác như các công ty trong nước vì tất cả bao bì và diện mạo được đăng ký bằng ngôn ngữ Khơ me. Hơn nữa, các thủ tục hải quan cũng không cho phép công ty Cambodia được sai lệch nhiều trong tính toán bởi chi phí sai lệch đó sẽ ảnh hưởng tới thu chi của công ty rất nhiều.
Ấy thế nhưng “ trong cái khó có cơ hội” như lời Giám đốc Hồ Viết Cường nói. Ấy là cơ hội để được thử thách mình trong một điều kiện/môi trường mới. Ấy là cơ hội để được làm việc với những người trẻ đầy nhiệt huyết. Ấy là cơ hội để phát huy tối đa kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh của mỗi người…..
Tới thời điểm hiện tại, mặc dù không thừa nhận Nicotex Cambodia đã vượt qua khó khăn buổi ban đầu nhưng Giám đốc công ty cũng cho rằng công ty đã bước đầu có được sự thành công. Đồng chí Giám đốc cho rằng công ty có được sự thành công là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm của các anh em, trong đó có sự kiên nhẫn, bền bỉ, ham hiểu biết của Phó Giám đốc Vũ Hữu Tú, sự nhanh nhạy của Kế toán trưởng Lại Tùng, sự sốc vác của Trợ lý ban giám đốc Đặng Văn Thành… Mặc dù không nói về mình chút nào, nhưng tôi biết, Giám đốc Hồ Viết Cường là người có quyết tâm cao độ đối với thị trường Cambodia. Là người có sự đầu tư, tìm tòi, học hỏi, kiên định nên ngay cả với sở thích uống trà anh cũng tìm hiểu rất rõ những triết lý sâu xa của nó để áp dụng được vào công việc kinh doanh và quản lý nhân sự của công ty. Chính vì những yếu tố đó nên sự thành công bước đầu của công ty Cambodia là điều không khó hiểu.
Các nhân viên của công ty Cambodia chủ yếu sống và làm việc ngay tại văn phòng công ty và kho của công ty tại Kamphong Cham. Chính vì sinh hoạt và làm việc chung như thế nên các đồng chí đều hiểu nhau rất rõ. Không cần phải họp quá nhiều, chỉ cần có cơ hội uống nước cùng nhau, ăn cơm cùng nhau đôi khi cũng đã là một cuộc giao ban công việc. Vì thế mà công việc của công ty cứ thế trôi chảy.
Tôi còn nhớ trong phòng bếp của Công ty có bảng phân công trực nhật của các đồng chí. Giám đốc Hồ Viết Cường chia sẻ: bảng phân công đó anh em thuộc lòng, và ai cũng tự giác làm việc của mình. Chính tính tự giác từ công việc nhỏ ấy đã giúp các công việc chung của công ty được hoàn thành một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3 ngày trên đất Cambodia, 2 ngày làm việc cùng với anh chị em công ty, tôi cảm nhận rõ được tình cảm gia đình và nhiệt huyết tuổi trẻ ở nơi này. Tôi tin, cùng với hệ thống Nicotex, công ty Nicotex Cambodia sẽ lớn mạnh không ngừng. Tạm biệt công ty Cambodia, ấn tượng về những thành viên trong ngôi nhà chung của công ty sẽ theo tôi mãi như những đoá hoa nhài trắng muốt, hương thơm dịu ngọt cùng tình cảm của các anh em Cán bộ nhân viên Nicotex Cambodia như vấn vít tâm hồn người./.