Sáng nay thức dậy, xem chương trình “Cà phê sáng với VTV3” đúng tới mục “chuyện bên ly cà phê” của Biên tập viên Hồng Cư và nhà báo Phan Đăng. Chủ đề của cuộc nói chuyện về hạnh phúc và làm thế nào để đươc hạnh phúc. Đây là chủ đề mà tôi đang quan tâm. Từ hồi về nghỉ hưu ngoài việc luyện tập công phu khí công, tôi đã bỏ ra rất nhiều ngày để đọc lại, đọc mới các sách nói về hạnh phúc như “Sống hạnh phúc – chết bình an” của Đức Dalalama, “Bàn về hạnh phúc” của Mathieu Ricacd, “Hạnh phúc không khó tìm”, “Hạt giống tâm hồn”… Trong đó tôi thích nhất bài viết về hạnh phúc của Nguyễn Trần Bạt. Và không hề nói quá khi tôi tin chắc rằng cả thế giới 6 tỷ người trên trái đất này đều đang mưu cầu hạnh phúc mỗi giây phút. Bật người dậy khi còn đang có cảm xúc, tôi viết những tản mạn của tôi về hạnh phúc để chia sẻ với mọi người. Chẳng biết có ra gì không nhưng không cưỡng lại dòng cảm xúc, cứ viết ra để mọi người cũng bàn luận cái ý tưởng bạc tỷ này.
Hạnh phúc là gì? Khi hỏi về hạnh phúc, hay tra cứu trên internet, nhiều người lại cho hạnh phúc chỉ là những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ thể, ví dụ như “sáng đến cơ quan, tối được chăm sóc gia đình”, “hạnh phúc là thấy con cái thành đạt”, hay “hạnh phúc là mang hạnh phúc đến cho người khác….” và quy thành niềm vui, hay sự thỏa mãn. Theo Nguyễn Trần Bạt “ Hạnh phúc không phải là cảm giác thỏa mãn thuần túy và nhất thời. Thỏa mãn là một khái niệm bản năng. Nhưng hạnh phúc không phải là một khái niệm bản năng, hạnh phúc là một khái niệm văn hóa. Muốn biết mình hạnh phúc hay bất hạnh, con người phải có được các nền tảng văn hóa hay những kinh nghiệm về hạnh phúc”. Còn theo Wikipedia khái niệm này khá rối và tôi nghĩ nên rút gọn lại “Hạnh phúc chỉ là trạng thái xúc và cảm của con người”.
Yếu tố cần của hạnh phúc đó là các tác động (xúc) tác động vào chúng ta (con người) đó là vật chất và tinh thần. Chất lượng cuộc sống cũng chỉ có hai yếu tố vật chất và tinh thần. Thứ nhất là vật chat: Chúng ta không thể có hạnh phúc trong sự thiếu thốn, nghèo đói. K. Mark nói “Cái nghèo đến cửa hạnh phúc đã ra khỏi ngõ”, nghèo chỉ thập thò đến cửa nhà hạnh phúc đã đi xa ra ngoài ngõ rồi. Dù bạn có hoài bão lớn, tư tưởng vĩ đại thì cũng cần phải sống và sống khoẻ mới làm được các điều đó. Thứ hai là những thứ tác động vào tinh thần của chúng ta, hay còn nói là đời sống tinh thần, làm trạng thái tinh thần thần của ta thay đổi, không thể có hạnh phúc trong khi tinh thần bất an, tinh thần tuyệt vọng. Như vậy muốn có hạnh phúc cần phải có tác động về vật chất và tinh thần.
Yếu tố đủ của hạnh phúc đó là “cảm”. Cảm nhận để cho mỗi cá nhân có hạnh phúc. Vì mỗi người có cảm nhận khác nhau, do văn hoá, kinh nghiệm cảm nhận hạnh phúc khác nhau “chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào chất lượng suy nghĩ” . Không dễ tìm hạnh phúc trong bản thân mình nhưng điều “khốn nạn” lại là không thể tìm nó ở đâu khác, nghĩa là bắt buộc bạn phải tìm nó trong bản thân. Muốn biết mình hạnh phúc hay bất hạnh, con người phải có được các nền tảng văn hóa hay những kinh nghiệm về hạnh phúc.
Như thế: vật chất và tinh thần tác động vào sẽ cảm nhận hạnh phúc hay không hạnh phúc. Theo quan điểm kích thích để đủ đô đủ độ ,làm cảm thấy hạnh phúc thì phải có “Đầy đủ về vật chất & An lạc về tinh thần” đúng như mục tiêu đích đến của công ty Nicotex.
Mỗi người có cảm nhận khác nhau về câu “Đầy đủ về vật chất – An lạc về tinh thần”. Với tôi đây như một câu đối trọn chuẩn. Đầy đủ đối với An lạc, vật chất đối với tinh thần.
Hai từ đầy đủ thật là đắt không thể dùng từ nào hơn. Đầy đủ cho thấy trạng thái không thừa, không thiếu,cả về chất lượng và số lượng. Người ta vẫn thường nói biết đủ là giàu, nếu ta không biết đủ thì luôn thấy thiếu. Cách cảm nhận cũng cho ta được sự đầy đủ, ví dụ như ta đang khát mà có nửa cốc nước ta sẽ cảm nhận thế nào “ôi chỉ có nửa cốc nước thôi sao?”. Hay ta nói “ồ vẫn còn đủ nửa cốc nữa!” đây không phải là phép thắng lợi của AQ mà là cách nhìn nhận. Cách nhìn nhận này sẽ cho thấy có người luôn luôn ở trạng thái kêu ca phàn nàn, nhưng cũng trong tình trạng đó vẫn có người có cái nhìn lạc quan hơn. Ta có đôi giầy đủ ấm chân nhưng ta lại kêu nó không mốt nhưng ta lại không biết còn có nhiều người chưa có giầy như ta, thậm chí còn có cả người không còn chân để mà đi giầy. Nhiều câu chuyên tương tự như vậy trong các sách hạt giống tâm hồn, quà tặng cuộc sống chỉ cho ta cái nhìn tích cực.
An lạc là cụm từ cũng rất đắt giá khi nói về trạng thái tình cảm. Thường thì các trạng thái tình cảm luôn quá tiêu cực hay quá thái như tức giận, căm thù, căm ghét, hay buồn đau, lo âu, hay vui sướng, phấn khởi. Chỉ có An lạc cho cảm giác trung dung bình yên vừa đủ tĩnh vừa đủ vui. Từ an lạc, an lành thường được dùng cho các câu chúc của nhưng người có tín ngưỡng như ngày Noel, người theo đạoThiên Chúa thường nói “Chúc giáng sinh anh lành và năm mới hạnh phúc”, đạo Phật thường chúc “ Năm mới an lạc và tu tập tinh tấn”.
Muốn có hạnh phúc chẳng có cách nào khác là phải tìm đến, đi đến mục tiêu “ Đầy đủ về vật chất – An lạc về tinh thấn”. Tại sao phải đi đến. Bởi vì Mác nói “hạnh phúc là đấu tranh”. Robin S.Sharma trong cuốn “Tìm về sức mạnh vô biên” nói “Hạnh phúc không phải điểm đến mà hạnh phúc là một hành trình”, bạn không thể dừng lại mà phải luôn luôn trên hành trình đó. Và theo khái niệm đã nêu ở trên, hạnh phúc là cảm giác có được khi thoả mãn một nhu cầu. Tôi có xem chương trình truyền hình kênh DW (truyền hình của Đức) phụ đề tiếng Việt, có giải thích khi ta được thoả mãn một nhu cầu nào đó thì trong não tiết ra chất dophomin – một chất kết nối các tế bào thần kinh, nó đem đến cảm giác hạnh phúc và chỉ một thời gian chất này hết thì cũng hết thấy sự hạnh phúc. Nên ta thấy hạnh phúc luôn chợt đến chợt đi, nên nhiều khi tôi thấy hạnh phúc là thứ không có thực. Đạo Phật không nêu khái niệm hạnh phúc. Mục tiêu của các nhà sư là diệt khổ. Muốn diệt khổ phải tìm ra nguyên nhân của đau khổ. Mà nguyên nhân của đau khổ là bất như ý. Và khi diệt được khổ thì sẽ giải thoát mà giải thoát thì trên cả hạnh phúc. Như vậy hạnh phúc hay sự sung sướng, sự thoả mãn cũng sẽ là khổ vì nó có rồi lại mất, do vậy tạo ra bất như ý là khổ. Hạnh phúc chỉ là giá sắc sắc không không; có lại không, không lại có.
Hạnh phúc cứ chợt đến chợt đi. Hạnh phúc không phải là một cảm giác tĩnh, hạnh phúc luôn luôn là một cảm giác động trong không gian và theo thời gian. Mục tiêu “Đầy đủ về Vật chất – An lạc về tinh thần” cũng luôn bị thay đổi theo thời gian và không gian. Bởi cái gì đầy rồi sẽ vơi, đủ theo thời gian cũng sẽ thiếu, cũng như an sẽ có lúc bất an, vui rồi cũng hết vui theo thời gian, và thay đổi theo biến thái trong không gian chứa đựng nó. Do vậy chúng ta luôn phải điều chỉnh. Và điều chỉnh điều này không khó, vì theo tôi là sự điều chỉnh để cân bằng. Ví như để đầy đủ về vật chất có khi chỉ cần giảm nhu cầu là đã trở thành đầy đủ, không nhất thiết phải thêm vào mới đầy đủ. Điều chỉnh cân bằng âm dương là nguyên tắc chữa bệnh của đông y, khi âm dương cân bằng thì khoẻ mạnh, và điều chỉnh nó bằng tả và bổ (đánh cho thấp xuống, bổ xung cho cao lên) . Để “tu tiên” Đạo Gia (Đạo lão) luôn tìm đến sự cân bằng ở trạng thái Vô (không có đúng sai phải trái). Và ngày quốc tế hạnh phúc chọn vào ngày 20 tháng 3 đây là ngày mặt trời ngang tầm xích đạo (không thiên cực) là ngày thời gian ban ngày và ban đêm bằng nhau nên có thể nói ngày quốc tế hạnh phúc là ngày cân bằng âm dương.
An luôn ở thì hiện tại. An lạc sẽ làm ta An tâm. Tâm mà an thì vạn sự an. Để có an thì hành động theo lẽ phải “ điều đầu tiên mà mỗi con người cần làm chính là rèn cho mình năng lực đi tìm lẽ phải, tạo dựng hạnh phúc trên cơ sở lẽ phải tâm hồn” (Nguyễn Trần Bạt – Bàn về Hạnh phúc).
Tóm lại để hạnh phúc hay đúng hơn là cảm giác hạnh phúc luôn bên ta thì ta phải có thành tựu trong quá khứ, an lạc tinh thần với hiện tại và phải có đích đến của tương lai. Chúng ta không thể là người hạnh phúc khi không có chút thành tựu nào trong qua khứ và cũng chẳng có đích đến trong tương lai. Và để làm được hãy không phức tạp khái niệm hạnh phúc, nhưng cũng không chung chung, phải cụ thể hoá hạnh phúc là đích đến, là mục tiêu “Đầy đủ về vật chất – An lạc về tinh thần” Nhân dịp năm mới thay câu chúc mừng hạnh phúc , tôi xin chúc công ty Nicotex, người Nicotex “ Vật chất Đầy đủ – Tinh thần An lạc”.