Trong quá trình lịch sử từ cổ chí kim, Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Chỉ tính trong khoảng 40 năm trở lại đây, năm 1974 Trung Quốc tiến hành chiếm Hòang Sa, năm 1979 xua quân đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc, tiếp sức cho bọn diệt chủng Pôn Pốt đánh vào các tỉnh Tây Nam Việt Nam, năm 1988 đánh chiếm đảo Đá chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cho đến nay mưu đồ lấn chiếm ngày càng tiếp diễn thô bạo hơn.
Mặc dù năm 1991, Việt Nam – Trung Quốc đã ký Hiệp định Hòa Bình, tuyên bố láng giềng hữu nghị nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang ngược cho tàu ngăn cản, bắn giết ngư dân Việt Nam trong cuộc mưu sinh trên vùng biển của mình; bắt tàu đánh cá, phạt vạ, trấn lột, cướp bóc tài sản của ngư dân Việt Nam. Ngày 26 tháng 5 năm 2011, tàu hải giám Trung Quốc xông vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tấn công, cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh, tiếp đến ngày 9 tháng 6 năm 2011, tàu Trung Quốc lại hung hãn xông vào cắt cáp tàu Viking đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, với ý đồ xấu xa là biến vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển của Việt Nam thành vùng đang tranh chấp để thưc hiện cái gọi là gác bỏ tranh chấp để cùng nhau khai thác với ưu thế vượt trội của Trung Quốc, áp đặt thô bạo đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông mà không có cơ sở lịch sử, pháp lý nào. Việc làm này đã ngăn cản tự do hàng hải, bị các nước lên tiếng phản đối. Các hành vi nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Luật Biển và Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 của Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc là thành viên Thường Trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, vi phạm tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký năm 2002.
Từ đầu tháng 5 năm 2014, Trung Quốc huy động nhiều loại tàu, đặc biệt là tàu vũ trang, tàu quân sự và cả máy bay yểm trợ cho việc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vị trí ở sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm hại tàu, thuyền của ngư dân và tàu công vụ của Việt Nam hoạt động ở vùng biển này. Đó là hành vi xâm lược bằng vũ lực, ngang nhiên vi phạm luật pháp và các cam kết quốc tế mà chính Trung Quốc đã ký kết, đánh dấu một bước leo thang mới rất nguy hiểm của thế lực bành trướng Trung Quốc trong mưu đồ lấn chiếm Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, uy hiếp chủ quyền của một số nước khác tiếp giáp Biển Đông và đe dọa trực tiếp hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. Hành động này, cùng với thái độ ngoan cố, xuyên tạc sự thật trước sự phản đối của dư luận quốc tế, đã phơi trần dã tâm bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc, phản bội quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung.
Tình thế hiểm nghèo khi chủ quyền quốc gia bị xâm phạm đòi hỏi phải phân tích, dự báo diễn biến và có đối sách chủ động ứng phó. Trước dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc, Chính Phủ Việt Nam muốn giải quyết các mâu thuẫn bằng con đường ngoại giao, hòa bình, còn nhân dân muốn bày tỏ ý chí chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình yêu nước của dân và kiều bào ta đã diễn ra không chỉ ở trong nước mà trên khắp thế giới. Tuy nhiên, có những cuộc biểu tình đã bị kẻ xấu lợi dụng kích động bạo động phá hoại ở một số nơi, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp nước ngoài, cho nền kinh tế và cho uy tín quốc gia, điển hình là các vụ biểu tình ở khu Công nghiệp Sóng Thần, Nam Tân Uyên ( Bình Dương ), Khu Công nghiệp Vũng Áng ( Quảng Ngãi). Dư luận chưa được biết chính xác ai đứng sau những vụ kích động có chủ đích này, song thấy rõ một điều là nhà cầm quyền Trung Quốc đã lập tức thổi phồng những cuộc bạo động này để làm mờ hành vi xâm lược ở Biển Đông và bôi xấu hình ảnh Việt Nam. Rất may là sự lợi dụng các cuộc biểu tình của kẻ xấu đã nhanh chóng bị phanh phui và chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Tình hình của đất nước ta hiện nay vừa thách thức nghiêm trọng, vừa tạo cơ hội lớn cho dân tộc ta chấn hưng đất nước theo con đường dân tộc và dân chủ. Thách thức bởi phải trải qua những thăng trầm thì chúng ta mới càng thấy rõ được tinh thần yêu nước của nhân dân, mới thấy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, mới thấy được sức mạnh tiềm ẩn của Việt Nam ta giống như từ ngàn xưa. Tạo cơ hội bởi chúng ta vượt qua được giai đoạn, tình thế hiện nay thì bạn bè quốc tế sẽ càng thấy được sức mạnh to lớn của đất nước Việt Nam, từ đó sẽ xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị trên cơ sở tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Chính vì thế, lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN họp ngày 11-5 và tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới khu vực Đông Á ngày 22-5 rằng: “Việt Nam nhất định không chịu đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” đã thể hiện đúng ý chí của nhân dân ta.
Tình hình hiện nay đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện tình yêu với đất nước bằng những việc làm thiết thực. Với người Nicotex chúng ta, hãy chăm chỉ làm việc, tuân thủ các quy định của công ty cũng như tôn trọng các ý kiến của đồng nghiệp và cấp trên, đoàn kết 1 lòng vì công ty, nhiệt tình tham gia vào các hoạt động chung và cố gắng hoàn thành tốt nhất những công việc được giao. Bên cạnh đó, mỗi CBNV hãy tích cực trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để ngày càng hoàn thiện bản thân mình, để mỗi khi ra ngoài, ai cũng có thể tự hào giới thiệu về bản thân, về những nét văn hóa đặc sắc và nhân văn của Nicotex. Mỗi CBNV hãy là một người chiến sỹ của công ty, hãy biết yêu công ty như yêu chính gia đình mình, từ đó tình yêu sẽ được nhân lên thành tình yêu đất nước.
Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam luôn bị áp bức, lệ thuộc. Có được đất nước tự do, tự chủ như ngày hôm nay là do dân tộc ta biết đoàn kết 1 lòng, đánh đuổi ngoại xâm. Trước tình hình hiện tại của đất nước, chúng ta những người Nicotex cũng sẽ đồng lòng cùng với nhân dân cả nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Những khẩu hiệu “ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”, “ Việt Nam quyết giữ vũng chủ quyền biển đảo”, “ Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam” hay “ CBNV Công ty Nicotex yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam” đã được công ty sử dụng để tuyên truyền và biểu thị tình yêu của CBNV toàn hệ thống với đất nước Việt Nam. CBNV Nicotex sẽ đoàn kết 1 lòng cùng nhân dân cả nước đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc khi cần.
Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy bên cạnh biện pháp chính trị, quân sự và ngoại giao, biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất vẫn là phải dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc, của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước ở trong nước cũng như ở ngoài nước nhằm chống lại những hành động ngang ngược gây hấn, xâm lấn của nhà cầm quyền Trung Quốc, bảo vệ nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam mà bao đời ông cha đã gây dựng, gìn giữ.
Người Nicotex hãy cũng với triệu triệu người Việt Nam, đồng lòng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia bằng nhiều hình thức thể hiện rõ tính chính nghĩa và nhân văn, hết sức cảnh giác trước những thủ đoạn kích động của thế lực bành trướng Trung Quốc và tay sai, hết lòng cổ vũ, hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ biển đảo và ngư dân bám biển, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy cải cách chính trị, xây dựng nền dân chủ và pháp trị thực sự, đổi mới và phát triển kinh tế, văn hóa để bảo vệ chủ quyền, đưa đất nước đi lên như mong muốn của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.